hiện có một hãng thời trang công sở đang muốn xây dựng chuỗi cửa hàng mang thương hiệu của họ,và họ muốn hợp tác để mở shop với các điều kiện như sau. họ sẽ lo toàn bộ các vấn đề hàng hóa setup bảng biển vật dụng cần thiết theo mô hình chung của họ(bao gồm cả tiền vốn lấy hàng) vấn đề còn lại là mặt bằng,nhân viên bán hàng và quản lí,chiến lược bán hàng sẽ do em phụ trách và bỏ vốn. lợi nhuận em sẽ được hưởng 45% sau chi phí. anh chị có thể tư vấn giúp em như vậy có thể hợp tác được không và các rủi do có thể gặp phải dự kiến nếu hợp tác em sẽ phải bỏ ra số tiền 100tr. e xin cảm ơn.
[Chuyên gia tư vấn]-làm kinh doanh
Chào bạn le dai! Tất cả những người làm ăn kinh doanh để có thể thành công, họ cần phải có những mối quan hệ, những đối tác chiến lược. Theo như những gì bạn mô tả, đây là một hình thức hợp tác làm ăn có những điểm khá giống với nhượng quyền thương mại. Để đưa ra quyết định có nên hợp tác hay không, bạn cần phải tìm hiểu thêm một số những thông tin về doanh nghiệp, một số điều khoản khi kí kết hợp động, đưa ra một số trường hợp nếu có rủi ro, sai sót hai bên sẽ giải quyết như thế nào?…
Một trong những cách giúp các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu và thâm nhập thị trường một cách nhanh chóng đó là hợp tác với người khác. Nếu hãng thời trang công sở là bên chủ động muốn hợp tác với bạn để phân phối sản phẩm của họ có thể họ thấy được ở bạn những thế mạnh nhất định.
Đầu tiên hãy tìm hiểu thêm những thông tin về doanh nghiệp, nếu có thể biết được tình hình bán hàng, doanh thu, lợi nhuận hằng năm và mức độ tăng trưởng của họ thì sẽ rất tốt cho bạn. Thêm vào đó, bạn cũng nên xem xét về mặt hàng của họ có phù hợp để kinh doanh tại địa phương của bạn hay không? Bạn cần khảo sát thị trường để có thể ước lượng được lượng khách hàng sẽ đến cửa hàng của bạn và doanh thu của cửa hàng dự kiến là bao nhiêu? Nếu vẫn còn mơ hồ về thị trường, bạn nên tham khảo ý kiến từ phía công ty – chắc chắn họ sẽ cung cấp thêm thông tin và cho bạn một số những lời khuyên bổ ích.
Nếu những số liệu nghiên cứu về thị trường là khả quan, những số liệu, dẫn chứng và các phương pháp kinh doanh mà hãng thời trang đưa ra là hợp lý bạn có thể bắt tay hợp tác với có. Đây có thể sẽ là cơ hội tốt khởi đầu cho hoạt động kinh doanh của bạn, trong khi rất nhiều Starup phải lo về cửa hàng, nguồn hàng, vốn, kinh nghiệm quản lý… thì bạn có lợi thế là nhận được sự hỗ trợ từ phía hãng thời trang.
Một số điểm cần lưu ý khi hợp tác kinh doanh
- Tìm hiểu thật kỹ lưỡng về hãng thời trang, tình hình sản xuất, buôn bán, tài chính, thương hiệu, nguồn hàng, chất lượng hàng hóa, giá cả… Sau khi thu thập những thông tin từ họ bạn nên xử lý các thông tin để có những nhận định đúng đắn về đối tác kinh doanh của mình.
- Xem xét thật kỹ những điều khoản trong hợp đồng. Hợp đồng kinh doanh có sức mạnh “ghê gớm” đôi khi 1 hoặc một vài điều khoản trong hợp đồng có thể sẽ gây khó khăn cho bạn. Hãy đọc hợp đồng thật kỹ, nếu có bất kì thắc mắc hoặc thấy không thỏa đáng, bạn nên thương lượng lại để cả hai cùng giải quyết.
- Như ở trên bạn có đề cập đến “Lợi nhuận em sẽ được hưởng 45% sau chi phí” vậy cách tính chi phí của doanh nghiệp là như thế nào. Năm đầu tiên bạn và hãng thời trang sẽ phải bỏ một lượng vốn đầu tư nhất định, sang những năm tiếp theo chi phí có tính khấu hao không? Nếu tính khấu hao thì tính như thế nào? Những chi phí liên quan đến tiền lương của nhân viên tại cửa hàng của bạn, chi phí điện nước… sẽ được tính như thế nào?… Hãy làm rõ những khoản chi phí và hiểu cách tính lợi nhuận, chiết khấu cho bạn nhé! Vì chi phí đầu tư ban đầu giữa bạn và hãng thời trang không giống nhau, chính vì vậy trước khi quyết định có nên hợp tác làm ăn hay không bạn nên làm rõ những điều khoản ngay từ đầu.
- Những vấn đề rủi ro, sự cố như: hư hỏng hàng hóa, thất lạc hàng hóa trong quá trình vận chuyển hàng… ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Bạn cần phải lường trước một số những rủi ro và đặt vấn đề với họ. Tất nhiên, không nên để mình rơi vào thế bị động khi đàm phán, trước khi thương lượng, đàm phán bạn nên chuẩn bị sẵn những phương án dự trù.
- Những điều khoản khác không được quy định trong hợp đồng sẽ được xử lý ra sao.
- Các giấy phép kinh doanh, vấn đề pháp lý… ai sẽ là người chịu trách nhiệm…
Bạn nên làm rõ tất cả mọi thứ, càng nhiều càng tốt để có thể hiểu hơn về hoạt động kinh doanh và đối tác của mình. Tuy nhiên, bạn nên khéo léo trong quá trình đàm phán tránh để đối tác cảm thấy ngột ngạt và khó chịu khi thương lượng với bạn.
Chúc bạn thành công!