Xin kính chào admin. Cho em hỏi là em có 1 cửa hàng đồ điện e có lấy sản phẩm A để bán thì nhà sản xuất có cho em quyền chọn sản phảm A là sản phẩm có thương hiệu của nhà sản xuất hoặc em có thể chọn sản phẩm A không có thương hiệu gì trên đó và em có thể đưa thương hiệu mới của em lên sản phẩm A và đưa ra thị trường bán. Vậy cho em hỏi là nếu em đưa thương hiệu của em vào sản phẩm A và bán ra thị trường thì em cần làm những gì để sản phẩm của em sẽ được gọi là bình thường , không phải là hàng lậu. Khi công an thị trường đến em phải làm thế nào. Em có cần thành lập công ty để hợp thức hoá sản phẩm của em không ạ. Em rất mong nhận được sự hồi âm của admin để em có cho mình một hướng đi. Xin chân thành cảm ơn admin rất nhiều
[Chuyên gia tư vấn]-làm kinh doanh
Chào bạn Cherish! Việc kinh doanh với một nhãn hiệu mới hoàn toàn có thể gây khó khăn cho bạn trong việc tìm kiếm và thuyết phục người tiêu dùng. Tuy nhiên nếu bạn muốn xây dựng thương hiệu về lâu về dài bạn bạn có thể tạo ra một nhãn hiệu riêng cho sản phẩm và PR để nó trở thành thương hiệu – mang đến dấu ấn trong lòng khách hàng.
Trên thực tế rất nhiều người nhầm lẫn từ “nhãn hiệu” và từ thương hiệu với nhau. Bạn có thể hiểu nhãn hiệu là những mặt hữu hình bao gồm câu chữ, logo trên sản phẩm, còn thương hiệu là những thứ mà khách hàng “thương” những thứ khách hàng hình dung khi nhắc đến tên của công ty hay tên của một sản phẩm nào đó. Chính vì vậy, người ta thường nói đi đăng kí “nhãn hiệu” chứ không ai nói đi đăng kí “thương hiệu” bao giờ!
Theo quy định của pháp luật, bạn cần phải đăng kí nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu cá nhân, đăng kí giấy phép kinh doanh… trước khi bắt đầu mở cửa hàng. Đầu tiên để đăng kí nhãn hiệu bạn cần phải có thiết kế: chữ viết, hình ảnh, màu sắc, kiểu dáng, kích thước…. bạn cần phải có một bản thiết kế trước nhé!
Những bước trong quy trình đăng kí nhãn hiệu cho sản phẩm
Bước 1: Tra cứu thông tin về nhãn hiệu: Bạn phải đảm bảo rằng, nhãn hiệu bạn dự định đăng kí không bị trùng lắp hay vi phạm những điều khoản sở hữu trí tuệ khác. Bạn có thể tra cứu thông tin tại website của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Bước 2: Nộp những giấy tờ và bản thiết kế cũng những diễn giải cụ thể về nhãn hiệu mà doanh nghiệp quyết định đăng kí. Thông thường thời gian thẩm định sẽ kéo dài từ 1 đến 2 tháng tính từ ngày nộp đơn.
Bước 3: Nếu những giấy tờ và đơn yêu cầu cấp nhãn hiệu hợp lệ, doanh nghiệp sẽ phải nộp một khoản phí và lấy văn bằng bảo hộ nhãn hiệu về sử dụng.
Khi muốn kinh doanh bất kì một sản phẩm hay dịch vụ nào đó, bạn cần phải đăng kí giấy phép kinh doanh. Tất cả những hoạt động kinh doanh không đăng kí giấy phép, những sản phẩm kinh doanh không được ghi trong giấy phép… đều là phạm pháp và bạn sẽ bị phạt nếu bị phát hiện.
Trường hợp của bạn là một trường hợp khá đặc biệt, nếu bạn đang kí nhãn hiệu cho sản phẩm có nghĩa sản phẩm được tạo ra từ bạn hoặc bạn phải chứng minh rõ ràng linh kiện lắp ráp, thiết bị điện… được sản xuất chế tạo từ đâu (xác minh rõ nguồn gốc của sản phẩm). Việc sử dụng sản phẩm của 1 nhà sản xuất khác và gắn tên nhãn hiệu của mình không phải chuyện đơn giản nó có thể liên quan đến rất nhiều bên.
Trong trường hợp, bạn bán sản phẩm của 1 nhà sản xuất khác, bạn chỉ có nhiệm vụ về “thương mại” và làm rõ tất cả những yêu cầu của cơ quan chức năng liên quan đến thương mại. Nhưng trong trường hợp này bạn còn gắn với nhà sản xuất và rất nhiều người khác. Về vấn đề pháp lý đây là một hình thức kinh doanh, hợp tác kinh doanh khá phức tạp, rắc rối.
Chúc bạn thành công!