Quản lý bán hàng-Cách quản lý tiền bán hàng

Quản lý bán hàng-Cách quản lý tiền bán hàng

Bán hàng là một khâu rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh của một cửa hàng, một đơn vị bán lẻ hay một công ty. Nguồn tiền từ hoạt động bán hàng ra vào liên tục và cần có những cách quản lý tốt nhất để hạn chế những rủi ro, thất thoát có thể xảy ra. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng nhau phân tích và tìm xem có những cách quản lý tiền bán hàng nào hiệu quả nhé!

Sử dụng nguyên tắc JUST IN TIME để quản lý tiền bán hàng

Just in time còn được viết tẳ là JIT, có nghĩa là vừa đúng lúc. Vì sao đây lại là một cách quản lý tiền bán hàng hiệu quả?

Để hiểu rõ hơn chúng ta hãy thử phân tích ví dụ sau: Để hoạt động bán hàng diễn ra thuận lợi, chúng ta phải nhập một số lượng hàng hóa lớn từ nhà cung cấp. Với số lượng hàng hóa nhiều như vậy, số tiền chúng ta sẽ phải thanh toán có thể rất nhiều. Nhưng trong lúc đó, có rất nhiều hoạt động và các khoản cần phải chi. Chúng ta thay vì trả hết tiền hàng cho nhà cung cấp sau đó tìm cách xoay vòng vốn để tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh, thì chúng ta có thể thực hiện phương án đó là thương lượng với nhà cung cấp về thời gian thanh toán tiền hàng sau hoặc thanh toán một phần nhỏ trước. vì là đối tác làm ăn lâu dài và uy tín nên chúng ta có thể thương lượng được. Sau đó sử dụng số tiền đó để giải quyết những khâu cần chi và duy trì hoạt động kinh doanh. Sau khi xoay được vòng vốn, kiếm được tiền sẽ dùng số tiền đó để trả lại cho nhà cung cấp.

Cách này giúp chúng ta tiết kiệm khoản chi phí chính là tiền lãi nếu phải đi vay ngân hàng hoặc những chổ khác để tiếp tục hoạt động kinh doanh. Với nguyên tắc Just in time, chúng ta có thể giảm được chi phí số tiền cần đầu tư cho hoạt động buôn bán. Theo thời gian, số tiền lãi vay có thể tăng lên. Do vậy, nếu sử dụng JIT chúng ta đã tiết kiệm được một khoản tiền lớn và có thể sử dụng vào những việc khác hiệu quả hơn.

Hoặc giả sử sau khi lập dự báo hoạt động bán hàng cho tương lai, chúng ta nhận thấy 6 tháng nữa cửa hàng mình cần nâng cấp, trang trí lại để thu hút khách hàng hơn. Số tiền tối thiểu cần là 100 triệu. Thay vì đi vay ngân hàng một lúc 100 triệu trước để để dành cho 6 tháng sau. Chúng ta có thể chia ra vay theo giai đoạn để tiết kiệm số tiền lãi phải trả. Nếu vay một lần 100 triệu thì phải đóng lãi cho 6 tháng theo mức lãi của 100 triệu. Nhưng nếu chia ra chúng ta có thể tiết kiệm được một khoản chi phí để làm việc khác. Đây chính là những ví dụ cơ bản về việc vận dụng Just in time trong quản lý tiền bán hàng.

Trong bán hàng, vận dụng các cách để tiết kiệm được nhiều tiền nhất, sử dụng đồng tiền có hiệu quả là cách để cửa hàng, hay doanh nghiệp có thể thu được nhiều lợi nhuận nhất. Những người làm kinh doanh sẽ có đầu óc tính toán rất nhạy bén, họ luôn muốn sử dụng 1 đồng và mang lại hiệu quả nhiều nhất. Do vậy, đây là cách để họ có thể tiết kiệm và sử dụng đồng tiền của mình tốt nhất để đảm bảo việc kinh doanh thuận lợi.

Cách quản lý tiền bán hàng: Dự đoán nhu cầu nhập hàng

Một trong những cách quản lý tiền bán hàng hiệu quả mà các chủ cửa hàng cần quan tâm đó chính là dự đoán được nhu cầu, số lượng nguồn hàng mình sẽ cần nhập trong tháng tới là bao nhiêu để có thể chuẩn bị tiền hàng và các chi phí có liên quan.

Làm sao để chủ cửa hàng có thể dự đoán được nhu cầu hàng hóa cần nhập trong tương lai? Chúng ta có thể dựa vào số lượng hàng hóa tiêu thụ trong tháng này tại cửa hàng, đánh giá nhu cầu và tiềm năng của khách hàng trong tháng tới, xem xét tình hình chung của thị trường kinh doanh mặt hàng đó đang có xu hướng đi lên hay đi xuống… để dự đoán nhu cầu khách hàng trong tháng tới, từ đó quyết định số hàng mà cửa hàng cần nhập là bao nhiêu.

Giả sử, trong tháng này cửa hàng bán quần áo của chúng ta có mức tiêu thụ khá ổn. Khách hàng có nhu cầu mua sắm ngày càng nhiều. Lượng khách ra vào ổn. Trung bình một ngày có thể bán được từ 30 – 40 bộ quần áo, váy, các loại. Nhận thấy mùa đông sắp đến và nhu cầu khách hàng quan tâm đến mặt hàng quần áo thu đông ngày càng nhiều. Xu hướng thị trường ưa chuộng các mẫu áo len họa tiết thổ cẩm, các loại áo phao dày hợp thời trang, khăn quàng, áo dạ hàn quốc,… Dựa vào những thông tin này cửa hàng có thể tăng số lượng hàng nhập thu đông vào tháng tới để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Và với số lượng dự đoán đó, chủ cửa hàng sẽ tính được số tiền cần chuẩn bị để nhập hàng trong tháng tới. Có thời gian để chuẩn bị và sắp xếp việc quản lý tiền hiệu quả hơn.

Dự đoán được nhu cầu nhập hàng, giúp chủ cửa hàng biết được những chi phí liên quan đến bán hàng sẽ phát sinh trong tương lai là bao nhiêu, cần chuẩn bị những gì và mất bao nhiêu thời gian để chuẩn bị. Từ đó, giúp việc quản lý thu chi bán hàng hiệu quả hơn.

>> Cách quản lý tiền trong bán hàng và kinh doanh

Quản lý công nợ thường xuyên, không nên để lâu

Một trong những cách quản lý bán hàng, quản lý tiền bán hàng nữa đó chính là quản lý công nợ của khách hàng thường xuyên và không để đâu.

Trường hợp xuất hiện công nợ thường xảy ra với các khách hàng quen thuộc và gần gũi với cửa hàng, doanh nghiệp. Cũng tương tự như việc chúng ta muốn nhập hàng nhưng thanh toán sau ở ví dụ được nhắc phía trên. Đối với công nợ, một lời khuyên được đưa ra cho chúng ta đó là không nên để tiền nợ kéo dài. Việc để tiền nợ quá thời gian cho phép sẽ khiến chúng ta không kiểm soát được thu chi của mình, thời gian xoay vòng vốn lâu hơn và rủi ro có thể xảy ra đó là khách hàng không thanh toán tiền hàng. Do vậy, để quản lý tiền bán hàng tốt, công việc đầu tiền cần xử lý đó là giải quyết nhanh gọn và hợp lý các khoản nợ của khách hàng và các khoản nợ của mình với nhà cung cấp. Việc luôn trong tình trạng nợ sẽ không phải là cách quản lý và làm việc tốt đối với một người kinh doanh.

Lựa chọn phần mềm quản lý bán hàng hỗ trợ có phải là phương án tối ưu?

Việc tự xử lý các công đoạn, tính toán chi phí, thu chi hằng ngày, kiểm tra hàng tồn, hạn sử dụng sản phẩm…. sẽ rất phức tạp và tốn nhiều thời gian, chi phí nếu chúng ta tự làm. Ngày nay, việc áp dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh đã trở nên rất phổ biến.

Một trong những cách quản lý tiền bán hàng hiệu quả, tránh thất thoát và dễ nắm bắt thông tin trong các khâu đó chính là sử dụng phần mềm bán hàng hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của cửa hàng, doanh nghiệp.

Việc áp dụng phần mềm bán hàng sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được thời gian, chi phí, tiền bạc và sức người trong các khâu như nhập hàng, tính toán, kiểm tra hàng, tổng kết doanh thu – chi phí – lợi nhuận. Đồng thời, có thể kết nối được với các bộ phận khác để có thể tiện theo dõi và xử lý các sự cố xảy ra. Ngoài ra, sử dụng phần mềm bán hàng sẽ giúp chúng ta kiểm tra được doanh số của từng nhân viên, giao dịch trong ngày và tránh được những thất thoát không đáng có.

Đây là một công cụ hữu ích sẽ giúp chúng ta quản lý bán hàng, quản lý tiền bán hàng tốt hơn bao giờ hết. Kết hợp các công cụ và lời khuyên lại với nhau, hy vọng những chia sẻ trên sẽ bổ ích và mang lại hiệu quả cao.

Trả lời