Vai trò của stp là gì ?? Vai trò của phân khúc thị trường là gì?? Vai trò của định vị là gì? Cho ví dụ?
[Chuyên gia tư vấn]-làm kinh doanh
Chào bạn Tuyết mèo! Phân khúc thị trường, định vị thương hiệu… là những vấn đề quan trọng mà một doanh nghiệp cần phải xác định rõ khi làm kinh doanh. Bởi lẽ nguồn lực của các doanh nghiệp luôn có giới hạn, trong kinh doanh bạn không thể đáp ứng tất cả nhu cầu của tất cả mọi người trên thế giới điều này khiến doanh nghiệp luôn phải “gồng mình” cuối cùng khó có thể đạt được mục tiêu kinh doanh, cạnh tranh… và rất dễ thất bại.
Vai trò của phân khúc thị trường, xác định thị trường mục tiêu và định vị thương hiệu
Trong Marketing STP là từ viết tắt của: Segmentation (phân khúc thị trường), Targeting (xác định thị trường mục tiêu) và Positioning (định vị). Để biết được vai trò của STP bạn cần phải hiểu về khái niệm của chúng. Để hiểu rõ hơn về những khái niệm này bạn nên tìm đọc một số sách liên quan đến Marketing, Marketing căn bản…
Vai trò của phân khúc thị trường
Như đã đề cập ở trên, nguồn lực của doanh nghiệp có giới hạn (giới hạn về tài chính, giới hạn về cơ sở vật chất, giới hạn về nhân lực… ) vậy nên, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu xác định đối tượng khách hàng mục tiêu muốn hướng đến để giới hạn đối tượng khách hàng cần phục vụ.
Phân khúc thị trường giúp doanh nghiệp có thể phân bố hiệu quả nguồn lực, tập trung vào những điểm mạnh, phát huy những điểm mạnh, năng lực lõi để tăng lợi thế cạnh tranh. (Dù là doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ, khi kinh doanh họ cũng thường quan tâm chú trọng đến việc khai thác tối đa thế mạnh của mình, không đầu tư quá giàn trải vì họ rất khó khăn trong khâu kiểm soát).
Để có thể kinh doanh hiệu quả, tốt nhất bạn chỉ nên tập trung vào một hoặc 1 vài phân khúc thị trường nhất định. Tùy theo từng mục tiêu: chiếm lĩnh thị trường, xây dựng thương hiệu… mà bạn có thể đề ra các chiến lược kinh doanh thích hợp. Việc làm tốt trên một “chiến trường” không những giúp tăng lợi thế cạnh tranh mà còn giúp “phòng ngừa” sự đầu tư và xuất hiện của các doanh nghiệp mới.
Đặc biệt trong các hoạt động quảng cáo, chiêu thị bạn có thể truyển tải một cách sâu sắc các thông điệp của mình đến một đối tượng khách hàng cụ thể thay vì phải “vật lộn” với hàng trăm hàng ngàn ý tưởng tiếp thị sao cho “vừa lòng” tất cả mọi người. Thêm vào đó, sản phẩm của bạn được phân phối đến đúng những người cần (đó là những khách hàng mục tiêu bạn đã xác định sau khi nghiên cứu về thị trường trong đó có nhu cầu và thói quen tiêu dùng).
Việc hiểu cặn kẽ về một đối tượng khách hàng, bạn có thể đặt mình vào vị trí của họ cảm nhận về sản phẩm, dịch vụ mà công ty cung cấp. Từ đó có những chiến lược cải tiến sản phẩm, cải tiến chất lượng ngày càng mang đến sự hài lòng cho khách hàng. Như vậy, bạn sẽ có khả năng giữ chân được những khách hàng thân thiết, tạo được nhiều khách hàng trung thành hơn.
Vai trò của định vị
Định vị thương hiệu giúp xác định được “hướng đi đúng đắn” cho doanh nghiệp. Khi đã định vị, tất cả mọi thứ từ chất lượng sản phẩm, nhân viên phục vụ, nhân viên bán hàng, quy cách đóng gói… phải tuân theo những quy chuẩn nhất định. Ví dụ nến bạn định vị thương hiệu nước hoa của mình là nước hoa cao cấp thì từ nguồn nguyên liệu, nhãn mác sản phẩm, mực in nhãn mác, hộp đựng nước hoa, cách trang trí của công ty… tất cả đều phải cao cấp.
Định vị giúp khẳng định hướng đi và sự khác biệt của sản phẩm, hàng hóa mà doanh nghiệp cung cấp so với những đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường. Ngày nay, trên tất cả các thị trường kinh doanh, mức độ cạnh tranh rất khốc liệt, khi mà khách hàng có vô số những sự lựa chọn họ sẽ đưa ra những so sánh, những cân nhắc để chọn được sản phẩm có lợi nhất. Định vị giúp khẳng định sự khác biệt, đưa ra lý do thuyết phục khách hàng tại sao họ nên chọn sản phẩm của công ty mà không phải những sản phẩm của đối thủ cạnh tranh khác.
Việc định vị giúp khách hàng có thể nhớ về thương hiệu, sản phẩm của bạn khi họ có nhu cầu. Chẳng hạn như khi nhắc đến điện thoại IPhone người ta sẽ nghĩ đến hãng điện thoại “sang chảnh” và những dòng điện thoại mắc tiền. Tuy không tung ra quá nhiều sản phẩm, nhưng mỗi sản phẩm của iPhone khi ra đời đều nhận được sự săn đón của khách hàng từ khắp mọi nơi trên thế giới.
Ngoài ra phân khúc thị trường, định vị thương hiệu còn giúp tăng doanh thu, lợi nhuận, nâng cao hiệu quả quản lý, bán hàng… của doanh nghiệp. Tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh mà doanh nghiệp theo đuổi, tùy thuộc vào những nghiên cứu thị trường và tình hình thực tế mà mỗi doanh doanh nghiệp chọn cho mình phân khúc thị trường và cách định vị thương hiệu riêng.
Ví dụ cụ thể
Một doanh nghiệp muốn kinh doanh sản phẩm xe đạp leo núi, đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp hướng đến là những người nam, độ tuổi trung niên, thu nhập từ khá trở nên, yêu thích thể thao, yêu thích bộ môn leo núi (Đây là xác định thị trường mục tiêu).
Công ty định vị thương hiệu của mình là thương hiệu tầm trung cao: các loại xe được làm từ chất liệu tốt, linh hoạt trên địa hình núi, số lượng xe bán trong cửa hàng không nhiều nhưng có mẫu mã độc đáo, cửa hàng trang bị có máy lạnh, có sắm tủ kính cao cấp trưng bày xe… (Đây là tất cả những hoạt động doanh nghiệp làm để định vị thương hiệu của mình).
Hi vọng những thông tin trong bài viết bổ ích cho bạn!
Chúc bạn thành công!