Nhu cầu thưởng thức “của ngon vật lạ” ngày càng lớn vì thế đây chính là điều kiện vô cùng thuận lợi cho bạn kinh doanh đặc sản vùng miền online. Mỗi vùng miền địa phương lại có những đặc sản, món ngon riêng. Hãy chọn kinh doanh loại đặc sản mà bạn chủ động về nguồn hàng, chất lượng và có giá cả hợp lý.
1.Lựa chọn đặc sản
Đặc sản quê có rất nhiều nhưng không phải cái gì bạn cũng có thể làm kinh doanh. Không nên chọn mặt hàng đã quá phổ biến khách hàng có thể mua được ở bất kỳ đâu như gạo tám Hải Hậu, bánh đậu xanh Hải Dương, chả giò Ước Lễ….Nên tránh bán các loại ít người có nhu cầu, đặc biệt nếu đó lại là món ăn có thời gian sử dụng ngắn ngày như bánh gấc Ninh Giang, bánh gai Tứ Trụ…
Có thể kể đến ,ột số đặc sản đang được nhiều người yêu thích tìm mua hiện nay như: bưởi Đoan Hùng, bơ sáp Đắk Lắk, tôm chua Huế, chuối ngự Đại Hoàng, hải sản các vùng biển, chả mực Quảng Ninh, nho xanh Ninh Thuận, thịt trâu gác bếp Điện Biên…Ngoài ra bạn không thể bỏ qua các loại đặc sản theo mùa vụ như cam Canh bưởi Diễn vào dịp cuối năm, cốm Làng Vòng…
2. Tìm hiểu thị trường
Trước khi kinh doanh, bạn phải dành thời gian nghiên cứu thị trường, để xem mặt hàng mình đang định bán có sự cạnh tranh lớn hay không, nhu cầu của thị trường thế nào có khả quan cho việc kinh doanh, điều tra luôn về giá bán cũng như chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng vận chuyển, đối tượng khách hàng chủ yếu là ai…
Nếu quê bạn không có đặc sản gì nổi bật có thể liên kết với những người bạn, người thân ở các tỉnh thành khác có đặc sản quê. Thời gian đầu bạn chỉ nên bán 1 đến 2 loại, sau khi việc kinh doanh đã ổn ổn, có một lượng khách đều hoặc thị trường đang bão hòa bạn có thể bán bổ sung các loại đặc sản khác.
3. Kinh doanh đặc sản online cần nhiều vốn không
Kinh doanh online cũng có nhiều kiểu, nếu bạn chỉ tập trung bán chủ yếu cho người quen rồi từ từ tiếng lành đồn xa thì chi phí đầu tư ban đầu gần như bằng 0, chủ yếu bạn sẽ phải bỏ vốn lấy hàng sau đó giao hàng và thu tiền về. Còn nếu ai muốn kinh doanh online đặc sản quê có quy mô thì sẽ phải có một fanpage, một website và sử dụng các kênh bán hàng khác, bỏ tiền ra chạy quảng cáo, quảng bá sản phẩm.
Lợi thế kinh doanh online là không cần vốn nhiều nhưng dù sao có một số vốn tương đối cũng giúp việc kinh doanh diễn ra thuận lợi hơn. Chú trọng vào các kênh quảng bá qua mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo… đừng quên tận dụng sức mạnh mạng lưới rộng lớn của các diễn đàn chuyên bán hàng, chia sẻ thông tin như lamchame, webtrertho…
4. Nguồn hàng
Nếu không chọn được loại đặc sản mới mẻ, độc đáo thì chất lượng, giá cả là bạn cần phải quan tâm nếu muốn thu hút, giữ chân được khách hàng. Đã có không ít vụ cửa hàng bán đồ đặc sản nhưng lại là đặc sản “giả”, hàng kém chất lượng nên nhiều người có tâm lý đề phòng, cẩn trọng khi mua hàng. Vì thế nếu muốn kinh doanh tốt, lâu dài thì nguồn hàng rất quan trọng.
Nếu ở quê có đặc sản thì bạn nên người bố mẹ, người quen đi lấy hàng ở nơi đảm bảo uy tín rồi gửi hàng ra vừa yên tâm, đảm bảo chất lượng, đúng nguồn gốc xuất xứ. Quan trọng là bạn phải có được mối lấy hàng tốt chất lượng tránh những kiểu: bán thịt lợn gác bếp thành thịt trâu gác bếp, bưởi đồi thành bưởi Diễn…. Muốn có lãi thì không được để hàng tồn, đặc biệt nếu đó lại là đồ ăn.
5. Khâu vận chuyển
Một yếu tố quan trọng không kém, nhất là thực phẩm tươi như đồ hải sản hay các loại hoa quả đồ ăn khó bảo quản. Nếu thời gian vận chuyển quá xa thì bạn cần phải chú tâm đến việc đóng gói, bảo quản sản phẩm để khi đến nơi đồ vẫn đảm bảo chất lượng.
Không những thế khâu vận chuyển hàng đến tận nơi cho khách cũng cần được chú trọng, đặc sản không chỉ tươi ngon, chất lượng mà còn phải đảm bảo được thời gian giao hàng cũng như sản phẩm còn nguyên vẹn không bị dập nát, biến dạng. Vì thế tốt hơn hết bạn sẽ là người tự ship hoặc có những shipper ruột để đảm bảo mọi thứ vận hành được tốt nhất.