Bốn Sai lầm không thể phạm trong đời, dù có sống vì Tiền

Con người ở đời không ai là không mắc lỗi, nhưng hãy cố gắng mắc càng ít lỗi lầm càng tốt đó là quy tắc làm người cơ bản. Có những sai lầm mắc phải bạn sẽ rút ra được bài học, nhưng có những sai lầm một khi đã mắc phải sẽ hệ lụy tới cả cuộc đời. Dưới đây là 4 sai lầm mà chúng ta tuyệt đối đừng nên mắc phải!

1, Luôn so sánh mình với người khác về mọi thứ

Thiếu sót đáng tiếc lớn nhất của con người là luôn so sánh mình với người khác.

So sánh với người giỏi khiến chúng ta tự ti; So sánh với người tầm thường khiến chúng ta thấp hèn; So sánh với kẻ yếu khiến chúng ta kiêu ngạo.

Sự so sánh từ bên ngoài khiến tâm hồn chúng ta xao động, không tự tại, khiến nhiều người đánh mất chính mình, che lấp đi những vẻ đẹp tâm hồn vốn có.

Anh chàng nọ câu cá bên bờ sông, anh ta câu được rất nhiều cá, nhưng cứ mỗi lần câu được cá là anh ta lại lấy thước ra đo, những con cá có kích thước tương đối lớn sẽ bị anh ta ném xuống sông.

Những người câu cá cùng khác cảm thấy khó hiểu liền hỏi: “Mọi người đều hy vọng câu được cá to, tại sao hễ câu được cá to là cậu lại ném trả xuống sông?”

Anh ta bình tĩnh trả lời: “Vì nồi nhà tôi bé, cá to quá sẽ không để vừa”.

Đừng để những ham muốn vô tận chiếm đoạt trái tim của bạn, “đủ dùng là được” cũng là một thái độ sống tốt đẹp.

“Sắc trắng vài phân mai kém tuyết, hương thơm một bậc tuyết nhường mai”.

Cảnh tượng những người ăn buffet thả ga, ăn uống vô tội vạ mà không có chút kiêng nể nào thật đáng sợ. Lấy đủ dùng cho mình là được, đừng quá tham lam, đây cũng là một phép tu luyện hết sức quan trọng. Mai không cần phải ngưỡng mộ Mẫu Đơn, mặt Trăng cũng không cần phải đối kỵ với mặt Trời.

2, Lương thiện một cách mù quáng

Nhà văn Mỹ Mark Twain đã từng nói rằng: “Lương thiện là một loại ngôn ngữ thông dụng của thế giới, nó giúp người mù cảm nhận được và người điếc nghe thấy được”. Nhưng những sự lương thiện mù quáng lại là một loại ngôn ngữ mất tiếng và biến dạng mà ngay cả người bình thường cũng không thể cảm nhận được.

Mã Trung Tích thời nhà Minh đã từng kể câu chuyện về Đông Quách tiên sinh và Sói như sau:

Đại phu nhà Tấn Triệu Giản Tử dẫn một đoàn người vào rừng săn bắn và họ bắn trúng một con sói.

Con sói trúng tên nhưng không chết, nó hoảng loạn tháo chạy thì gặp Đông Quách tiên sinh đang dắt một con lừa đi qua. Trên lưng con lừa cõng một túi sách to.

Sói liền cầu cứu Đông Quách tiên sinh, Đông Quách tiên sinh giấu sói vào trong chiếc túi trên lưng lừa.

Lúc Triệu Giản Tử truy hỏi, Đông Quách tiên sinh đã nói dối cho qua.

Sau khi Triệu Giản Tử và đám tùy tùng đã đi khá xa, sói liền yêu cầu Đông Quách tiên sinh thả mình ra. Vừa được thả ra, sói liền đòi ăn thịt Đông Quách tiên sinh.

Đông Quách tiên sinh khổ sở cầu cứu, tìm cách trốn tránh, hai bên rượt đuổi nhau xung quanh con lừa. Sau đó mới thương lượng và thống nhất tìm người phân giải.

Đầu tiên, họ hỏi cây cổ thụ và trâu già, cả hai đều nói sói nên ăn thịt Đông Quách tiên sinh.

Trong lúc nguy nan, may mà có một ông lão chống gậy đi qua. Đông Quách tiên sinh chạy đến cầu cứu.

Ông lão chỉ trích sói vong ân bội nghĩa.

Sói giải thích rằng vì Đông Quách tiên sinh nhét mình vào túi, sau đó đè sách lên, cố ý thít chặt miệng túi, kéo dài thời gian, rất lâu sau mới thả Sói ra, mục đích là muốn giết chết nó để kiếm lợi cho bản thân, vì thế nó phải ăn thịt ông ta.

Ông lão tỏ ý chi bằng làm lại như lúc đầu, bỏ Sói vào trong túi để xem có đúng là Sói bị buộc chặt quá hay không, nếu đúng là Sói phải chịu đựng nỗi khổ ấy, thì sẽ để sói ăn thịt Đông Quách tiên sinh.

Sói liền đồng ý.

Khi sói một lần nữa chui vào trong chiếc túi, ông lão chỉ bảo Đông Quách tiên sinh một hồi về sự dại dột của ông rồi hai người họ cùng nhau giết chết Sói.

Triết gia người Mỹ Ralph Waldo Emerson từng nói: “Sự lương thiện của bạn nhất định phải có chút nhạy bén và thông thái, nếu không nó sẽ bằng không”.

Có lẽ rất nhiều người trong số chúng ta đã từng lương thiện một cách kém nhạy bén và thiếu thông minh, rõ ràng là dốc hết tâm sức, nhiệt huyết hừng hực nhưng đổi lại là sự lạnh nhạt và oán trách của người khác. Những câu chuyện về lòng tốt làm hỏng việc có lẽ chúng ta đã từng nghe và trải qua khá nhiều.

Điều đáng sợ nhất của việc lương thiện một cách mù quáng là ở việc nó trở thành gông cùm của người khác và dụng cụ tra tấn của chính bản thân mình. Bởi lâu dần, sự lương thiện thuần hậu ấy sẽ bị thù hận ăn mòn và mất đi vẻ đẹp vốn có.

Những người thông thái lúc nào cũng khiến bản thân thoải mái, khiến người khác vui vẻ, họ biết cách bày tỏ thiện ý trong im lặng, đúng chừng mực, dù là mùa đông giá lạnh nhưng vẫn khiến người khác cảm thấy hơi thở ấm áp của mùa xuân.

Một người vừa lương thiện, vừa thông thái là bảo vật quý giá nhất, là ngọn đuốc sáng rực nhất trên thế gian này.

Lương thiện vốn đã là bảo vật quý giá nhưng nó cần sự thông thái để thắp sáng để toát ra những thiện ý đúng mực, hóa giải sự bối rối ngỡ ngàng một cách tinh tế và khéo léo, đó là nguyên tắc nhất quán khi hành tẩu thế gian.

Chỉ có như vậy, đôi bên mới cảm thấy vui vẻ, cảm thấy thoải mái, cảm thấy yên tâm hưởng thụ những cảm xúc tốt đẹp nhất trên đời.

Dù là người cho hay người nhận cũng đều sẽ cảm thấy ấm áp trong lòng. Thế giới này là như vậy, có thiện ý, có nhiệt huyết, dám dang rộng đôi tay thôi là chưa đủ, vẫn cần phải có sự lương thiện một cách thông thái nữa.

>> Người Do Thái kiếm tiền bằng cách nào? Thì ra dựa vào những kiểu này

3, Hối hận một cách vô nghĩa

Hối hận là một cảm xúc vô dụng nhất trên đời này, thế nhưng rất nhiều người lại bị chìm sâu trong đó không thể tự thoát ra được. Nó không những khiến bạn đau khổ mà không không thể giúp bạn bù đắp bất cứ việc gì mà bạn không nên làm hoặc nên làm mà bạn không làm.

Điều quan trọng là, mỗi khi cảm xúc hối hận ùa về, hãy giữ khoảng cách với nó, nhìn thẳng vào nó và cảm ơn nó đã tới thăm bạn. Sự việc đã qua rồi, dù có làm gì chăng nữa thì cũng khó lòng mà bù đắp lại được, lúc này điều quan trọng nhất đối với bạn là giữ lòng bình yên và thanh thản.

Tôi đã từng gặp những người không thể thoát ra khỏi chuyện tình cảm.

Họ đốt thuốc, mượn rượu giải sầu, họ nhốt mình lại, họ từ chối mọi cuộc hẹn. Điều này chỉ có thể thể hiện rõ rằng, mối tình cảm đó là thật sự, nhưng không có nghĩa là có thể nối lại được.

Thứ khó níu giữ và tìm lại nhất trên đời này có lẽ là lòng người, nhất là trong thế giới tình cảm, hối hận là điều vô dụng nhất.

Hối hận vừa không giúp bạn níu giữ được ai đó cũng không thể giúp bạn bù đắp lại được những lỗi lầm đã qua. Những người đắm chìm trong quá khứ, không thể mở lòng là những người yếu đuối nhất, lòng dạ hẹp hòi nhất, tầm nhìn ngắn ngủi nhất.

Phương pháp đúng đắn nhất đó là thừa nhận và tiếp nhận kết quả, rồi hướng trọng tâm về tương lai.

Trong cuộc đời mỗi người, 10 chuyện thì 9 chuyện không như ý muốn, những người có thế mạnh thực sự phải là những người vừa có thể hưởng thụ được những điều tốt đẹp nhất vừa có thể chịu đựng được những điều tồi tệ nhất trong cuộc sống.

4, Không ngừng oán trách

Con người ta hay oán trách chẳng qua là do : không thể buông bỏ, không thể thấu hiểu và không thể quên.

Một cặp vợ chồng nọ, sau khi kết hôn, ngày nào cũng xảy ra mâu thuẫn. Sau đó họ cùng nhau tới gặp nhà tâm lý học nổi tiếng Milton H. Erickson.

Sau khi nghe một loạt những oán hận không ngừng nghỉ của hai bên, Milton H. Erickson chỉ nói với họ một câu rằng: “Lý do kết hôn của hai người là để nghe những lời cãi vã và oán giận không ngừng nghỉ này sao?”

Nghe xong câu nói đó của Milton H. Erickson, đôi vợ chồng liền tỉnh ngộ và không nói được lời nào.

Oán giận giống như một cục u ác tính bám chặt trong cơ thể, nó sẽ không ngừng phát tán theo những cảm xúc tiêu cực của bạn, cách điều trị tốt nhất đó là khống chế và kiểm soát cảm xúc bản thân, không được để nó dắt mũi bạn.

Việc mà một số người hay làm nhất và dễ làm nhất những lúc không như ý muốn đó chính là oán giận, cằn nhằn, dường như làm như vậy sẽ khiến vấn đề được giải quyết, mọi việc sẽ có chuyển biến.

Nhưng trên thực tế, vấn đề vẫn còn tồn tại ở đó, chưa được giải quyết. Oán giận, trách móc chỉ khiến lãng phí thời gian, bỏ lỡ thời cơ tốt nhất để giải quyết vấn đề. Điều bạn cần phải làm đó là nhanh chóng bình tĩnh lại, phân tích vấn đề, tích cực tìm cách giải quyết hoặc cứu vớt sự tình.

Đừng bao giờ oán trách rằng bạn không được đối xử công bằng. Triết học có câu: “mọi sự tồn tại đều hợp lý”, những đãi ngộ mà bạn có được đều là bối cảnh, điều kiện và nguyên nhân hiện diện của sự hợp lý đó.

Bạn không thể kiểm soát người khác nhưng bạn có thể kiểm soát chính mình. Bạn không thể xoay chuyển thời tiết nhưng bạn có thể thay đổi tâm trạng của mình.

Kiểm soát cảm xúc bản thân, học cách trở thành chủ nhân của cảm xúc là biện pháp ngừng oán trách, dừng than phiền tốt nhất.

Trả lời