Hướng dẫn Kinh doanh tạp hóa Tại nhà vốn dưới 80 triệu

Hướng dẫn Kinh doanh tạp hóa Tại nhà vốn dưới 80 triệu

Kinh doanh mở cửa hàng tạp hóa là một ý tưởng kinh doanh không còn mới nhưng vẫn được nhiều người lựa chọn. Để kinh doanh một cửa hàng tạp hóa đầy đủ các mặt hàng, quy mô vừa và lớn chi phí vốn đầu tư khoảng 200 triệu trở lên. Nhưng bạn chỉ có 80 triệu, với số vốn ít như vậy liệu có kinh doanh tạp hóa tại nhà được không? Chúng ta sẽ cùng tìm ra câu trả lời trong bài phân tích hôm nay với chủ đề Hướng dẫn Kinh doanh tạp hóa Tại nhà vốn dưới 80 triệu.

Mở tạp hóa với 80 triệu – Nên chọn mặt bằng kinh doanh tại nhà

Với số vốn nhỏ, chúng ta không thể đi thuê mặt bằng vì chi phí đầu tư sẽ tăng lên. Lựa chọn tối ưu nhất đó chính là mở cửa hàng tạp hóa ngay tại nhà. Diện tích phần không gian dùng để bán hàng phải khoảng từ 10m2 đến 15m2, thoáng mát, khô ráo, không bị mưa dột hay nước chảy vào nhà khi trời mưa. Phía trước phải có cửa sắt để đóng hàng và tránh bị trộm cắp.

Với việc có mặt bằng tại nhà để tận dụng sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được chi phí và sử dụng số tiền đó vào những khoản khác tốt hơn.

Lựa chọn địa điểm kinh doanh như thế nào để hiệu quả

Vì mặt bằng kinh doanh tại nhà sẽ gây ra một bất lợi đó là chúng ta không được chủ động chọn địa điểm kinh doanh, mà nhà ở đâu thì kinh doanh ở đó. Do vậy, nếu như khu bạn sống có đông dân cư, ít hoặc không có cửa hàng tạp hóa nào khác thì hãy thực hiện ý tưởng kinh doanh tạp hóa tại nhà. Vì nếu nhà bạn ở khu dân cư thưa thớt vì khi mở ra, nhu cầu khách hàng có thường xuyên thì số lượng người mua ít cũng không giúp bạn thu hồi lại được vốn. Thứ hai, nếu xung quanh có quá nhiều cửa hàng tạp hóa thì cạnh tranh sẽ rất khó khăn. Khách hàng sẽ tìm mua sản phẩm ở những cửa hàng có giá bán thấp hơn, nên bạn sẽ phải cạnh tranh về giá. Như vậy lợi nhuận sẽ bị giảm mạnh. Chính vì sự thiếu tính chủ động ở khâu lựa chọn địa điểm kinh doanh nên bạn phải cân nhắc thật kỹ trước khi mở cửa hàng tạp hóa tại nhà nhé!

Chịu khó tìm kiếm nguồn hàng giá rẻ

Vì số vốn chỉ 80 triệu bao gồm cho tiền nhập hàng, chi phí kệ – tủ, tiền dự phòng cho nên chúng ta phải tìm kiếm những nguồn hàng giá rẻ để nhập về kinh doanh mới kiếm lời được. Có những cơ sở chuyên phân phối các mặt hàng cho các cửa hàng tạp hóa lớn, bạn có thể hỏi thăm hoặc tìm hiểu thêm để xin thông tin liên lạc của các cơ sở đó. Hoặc họ sẽ tự tìm đến bạn vì họ cũng cần đẩy hàng ra thị trường. Những cơ sở này thường có đầy đủ tất cả các mặt hàng từ dầu gội, kem đánh răng, đến gia vị nấu nướng,…. Nhiều người sẽ lựa chọn nhập một chổ thôi cho tiện khâu di chuyển và lấy hàng. Tuy nhiên, mình nghĩ rằng bạn không nên chỉ nhập hàng từ một nơi duy nhất. Vì có những thời điểm khan hiếm hàng, hoặc vì họ biết mình chỉ nhập hàng từ mỗi cơ sở của họ nên họ có thể gây khó dễ hoặc chèn ép giá. Vì vậy, chúng ta sẽ tham khảo giá, so sánh giá các mặt hàng ở nhiều nơi với nhau, sau đó chọn nhập mặt hàng ở nơi có giá rẻ hơn và chia ra nhập nhiều nơi chứ không nhập cùng một chổ.

Kinh doanh tạp hóa kiếm thu nhập từ những đồng tiền lẻ tích góp dần, cho nên bạn phải so sánh giá cẩn thận, tính toán dù chỉ là 500đ, nếu có thể thì cứ mặc cả giá để nhận được mức giá ưu đãi nhất.

>> Bán hàng tạp hóa có Giàu không? Lãi suất từ bán hàng tạp hóa

Có cần thuê nhân viên bán hàng hay không

Với quy mô cửa hàng tạp hóa nhỏ với số vốn đầu tư 80 triệu tại nhà thì mình nghĩ chúng ta không cần thuê nhân viên bán hàng. Mà những người thân trong gia đình có thể xoay vòng để thay nhau bán hàng và tính toán sổ sách, số lượng hàng nhập. Nếu thuê thêm nhân viên, lại tốn thêm chi phí cho nên không cần tuyển nhân viên.

Khách hàng sẽ đông vào những ngày lễ Tết, dịp đặc biệt cần mua nhiều đồ như bia rượu, nước giải khát, hay bánh hộp,… nên vào những ngày này nếu không đủ nhân lực thì bạn có thể thuê thêm 1 người làm.

Chỉ tập trung những mặt hàng thiết yếu chính

Về nguồn hàng, chúng ta nên tập trung vào những mặt hàng thiết yếu chính phục vụ cho đời sống hằng ngày như mắm, muối, bột giặt, dầu gội, gia vị nấu ăn, mì tôm, bánh kẹo, nước giải khát, bia rượu… Không nên nhập quá nhiều mặt hàng vì số vốn của chúng ta hạn chế và những mặt hàng khác nhu cầu không nhiều và thường xuyên như những mặt hàng này.

Về những mặt hàng như mắm, muối, bột giặt, dầu gội, mì tôm, bánh kẹo,… tiền hàng nhập khoảng 20 triệu. Còn với nước giải khát, bia rượu tiền nhập hàng khoảng 20 triệu. Nhu cầu về bia rượu, nước giải khát rất thường xuyên và bán rất nhanh nên chúng ta cần vốn để dự trữ xoay vòng nhập hàng.

Bán tạp hóa cho đối tượng khách hàng là những người hàng xóm xung quanh, họ sẽ có nhu cầu mua thiếu nợ nên có khi chưa kịp thu hồi vốn đã cần tiền để nhập hàng cho nên phải có tiền dự phòng kinh doanh.

Đầu tư kệ tủ, trưng bày hàng hóa

Chúng ta cần đặt khung sắt nhiều tầng để cất  và trưng bày hàng hóa. Với diện tích 10m2 thì cần khoảng 4 khung sắt nhiều tầng lớn, và một vài tủ kính, ở giữa là một khung sắt một tầng. Chi phí cho một khung sắt nhiều tầng khoảng 3 triệu/cái. 4 cái sẽ tốn khoảng 12 triệu. Và thêm tủ kính, một khung sắt một tầng để giữa cửa hàng. Tổng chi phí để mua tủ, kệ sắt trưng bày khoản 20 triệu đồng.

Nhiều người tiết kiệm chi phí mua kệ sắt bằng việc chỉ sử dụng những chiếc bàn gỗ cũ trong gia đình và treo hàng hóa lủng lẳng ở phía trên trần nhà. Tuy nhiên, mình nghĩ rằng nếu đã xác định kinh doanh tạp hóa ở nhà lâu dài thì nên đầu tư ngay từ đầu để tiện trong quá trình sắp xếp, kiểm tra và bán hàng. Nếu vì tiếc tiền đầu tư với suy nghĩ để sau này rồi hãy mua kệ thì bạn đã lầm. Theo thời gian, vật giá sẽ tăng dẫn đến chi phí đầu tư mua kệ và tủ cũng tăng lên. Hơn nữa, đang trong quá trình kinh doanh nhưng bạn vì muốn sắp xếp lại kệ tủ thì phải dừng hoạt động 1, 2 ngày và vì sắp xếp lại mọi thứ nên sẽ không quen mặt hàng nào ở đâu để dễ tìm kiếm. Làm tốn thêm thời gian và chi phí. Cho nên, nếu kinh doanh tạp hóa tại nhà thì bạn nên đầu tư mua kệ và tủ ngay từ đầu.

Bảng hiệu – Cách gây sự chú ý

Mặc dù kinh doanh tạp hóa quy mô nhỏ tại nhà nhưng bạn cũng cần có bảng hiệu để khách hàng biết bạn kinh doanh mặt hàng gì và là tên gọi để khách hàng có thể phân biệt bạn với các cửa hàng tạp hóa khác. Ví dụ như cửa hàng tạp hóa Bà Dung,…

Bảng hiệu nên làm to, chữ rõ ràng, không cần quá nhiều thông tin ở phía trên mà chỉ cần tên cửa hàng, địa chỉ và số điện thoại. Bảng hiệu được đặt ở phía trước cửa hàng. Ngoài ra, chúng ta có thể thu hút, gây sự chú ý bằng việc sử dụng chai nhựa để trang trí bên ngoài cửa hàng, trưng bày các sản phẩm, hình ảnh, poster của các công ty ở bên ngoài. Vào buổi tối thì nên có treo đèn bên ngoài, bảng hiệu cũng nên sử dụng đèn led để gây sự chú ý và dễ nhận diện vào ban đêm. Tất cả các công cụ gây sự chú ý đều với mục đích khiến khách hàng biết đây là cửa hàng bán tạp hóa, hãy quay lại mua nếu có nhu cầu.

Với số vốn 80 triệu, chúng ta vẫn có thể kinh doanh cửa hàng tạp hóa tại nhà. Hy vọng những thông tin trong bài viết này có ích với bạn. Cảm ơn đã theo dõi hết bài phân tích này

Trả lời