Bạn đang có ý định mở cửa hàng bán sữa bột ở vùng ngoại thành, nông thôn nhưng lại lo lắng về sức mua của người dân ở đây, không biết số vốn cần bỏ ra là bao nhiêu, lợi nhuận như thế nào…? Có hàng trăm câu hỏi cần phải trả lời trước khi bắt đầu kinh doanh mặt hàng được xem là khá đắt đỏ này.
Phục vụ một hay nhiều đối tượng
Nếu bạn có mặt bằng cửa hàng đủ rộng, cũng như có một số vốn lớn thì nên chọn bán nhiều loại sữa cho mọi đối tượng khách hàng, bởi cái bạn đang hướng đến là một đại lý sữa với nhiều mặt hàng khác nhau. Ngoài sữa bột bạn có thể bán thêm sữa tươi, sữa chua, váng sữa….nhưng đó là chuyện sau này khi cửa hàng đã đi vào hoạt động ổn định nhé.
Nhưng nếu bạn có một số vốn nhỏ khoảng 100 đến dưới 150 triệu thì mọi chuyện sẽ khác. Chỉ nên tập trung phục vụ một đến hai nhóm khách hàng mà thôi, trong thời gian đầu đừng quá ôm đồm.
> Kinh doanh ở nông thôn trở thành xu hướng mốt
Trước khi biết mình cần bán loại sữa nào bạn cần tìm hiểu trong khu vực mình dân số đang già hóa hay trẻ hóa. Nếu dân cư có số lượng người trẻ đang trong độ tuổi xây dựng gia đình đông, hãy chọn bán sữa bột dành cho bà bầu. Ngoài ra, dòng sữa cho trẻ nhỏ các độ tuổi cũng là mặt hàng bán chạy.
Địa điểm mở cửa hàng
Yếu tố quan trọng tiếp theo, mở cửa hàng ở đâu? Dù là ở vùng nông thôn nhưng bạn cũng nên chọn địa điểm mở cửa hàng ở thị trấn, thị xã, có dân cư đông đúc, đời sống kinh tế cao, là nơi buôn bán của một vùng là tốt nhất.
Chi phí mở cửa hàng
Cần bao nhiêu vốn để mở được một cửa hàng sữa? một câu hỏi lớn khó có thể đưa ra câu trả lời chính xác 100%. Ngoài chi phí thuê mặt bằng, còn chi phí lắp đặt quầy, kệ, bảng biển, máy tính, camera, máy tính tiền, máy đọc mã vạch, máy in hóa đơn…. Chi phí ban đầu là rất lớn, nên để tiết kiệm chi phí bạn có thể mua lại các kệ, quầy, máy tính… thanh lý mà chất lượng vẫn còn tốt.
Ví dụ:
– Chi phí thuê mặt bằng diện tích 30m2 có mức giá khoảng 4 triệu đồng/ 1 tháng, ở dọc đường quốc lộ thị trấn.
– Một máy tính khoảng 5 triệu.
– Một máy đọc mã vạch khoảng 4 triệu đồng.
– Lắp bảng biển tùy số lượng, chất liệu khoảng 1 triệu cho 1 biển ngang, hai biển dọc.
– Một quầy tính tiền, 3 kệ bày sữa nhiều tầng: 4 triệu
– 4 máy camera tính trung bình cũng khoảng 10 triệu.
– Còn rất nhiều phụ phí phát sinh khác như tu sửa lại cửa hàng, trang trí, tiền thuê nhân công. Vì thế chi phí để có thể khai trương một cửa hàng sữa quy mô nhỏ có thể lên đến 30 đến 40 triệu đồng.
Ngoài chi phí mở cửa hàng, bạn sẽ cần bỏ vốn ra để nhập sữa. Dù là bạn có nhiều vốn đi chăng nữa, thì thời gian đầu hãy chọn nhập các dòng sữa nổi tiếng trong nước được người dân biết đến, sử dụng nhiều. Mỗi loại chỉ nhập từ 2 đến 4 lon, giới hạn khoảng 5 đến 10 loại cho từng nhóm hàng khác nhau (sữa bà bầu, sữa cho trẻ sơ sinh…)
Ví dụ: sữa bầu Alpha mama: nhập lần đầu 4 hộp: 2 hộp 400gr khoảng 95 nghìn, 2 hộp 900gr khoảng 189 nghìn, tổng tiền là 568 nghìn/ loại sữa. Dành khoảng 30 đến 50 triệu đồng để nhập sữa bột trong lần đầu tiên nhé, xem sức mua của khách hàng sau đó sẽ từ từ quay vòng vốn.
Hình thức lấy hàng
– Lấy hàng trực tiếp từ công ty: bạn sẽ phải đăng ký số lượng hàng nhập từ đầu tháng, mức trả thưởng, chiết khấu sẽ tính vào cuối tháng. Với hình thức này bạn sẽ được công ty hỗ trợ nhiều thứ như biển bảng, quầy kệ nhưng buộc phải bán đủ mức doanh thu công ty đề ra.
– Lấy hàng từ đại lý: bạn thích lấy bao nhiều đều được, mỗi lần lấy hàng bên đại lý sẽ chiết khấu luôn vào sản phẩm. Vì là người mới bạn nên chọn hình thức lấy hàng này để tránh rủi ro về sau.
Chiết khấu
Sữa không phải là mặt hàng được chiết khấu cao, mức chiết khấu trung bình sẽ là từ 2 đến 10% cho một lon sữa. Nhưng vì là mặt hàng được tiêu thụ đều đặn, thường xuyên nên chắc chắn số tiền lãi thu về được hàng tháng là không hề nhỏ.
Trong thời gian đầu, số tiền thu về có thể không nhiều nhưng nếu bạn có được lượng khách hàng trung thành thì doanh thu sẽ tăng nên rất đều và vững chắc.
Tổng kết
Mặt hàng sữa nói chung, sữa bột nói riêng đều có sức mua rất lớn đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Là nơi tập trung đông dân cư, đời sống kinh tế ngày càng phát triển vì thế nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng được quan tâm. Chỉ cần số vốn khoảng 100 triệu đồng bạn đã có thể mở được một cửa hàng sữa có quy mô trong vùng rồi.