Những việc thường làm vào ngày Tết Nguyên Đán?

Những việc thường làm vào ngày Tết Nguyên Đán?

Tết Nguyên Đán là một trong những ngày lễ truyền thống mang đậm bản sắc, phong tục của dân tộc ta. Tết Nguyên Đán chính thức bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng. Trong 15 ngày lễ ấy, mỗi ngày đều có một ý nghĩa và hoạt động khác nhau. Những nét đặc trưng mang đậm giá trị văn hóa cổ truyền và phong tục tập quán của dân tộc được khắc họa rõ nhất trong những ngày này.

Những ngày Tết ấy, chúng ta cần làm những gì và có gì cần kiêng cữ. Hãy cùng bytuong.com tìm hiểu thêm về phong tục Tết cổ truyền của người Việt trong bài viết Những việc thường làm vào ngày Tết Nguyên Đán này nhé!

Một trong những việc không thể thiếu trong những ngày Tết: tảo mộ, thăm mộ ông bà tổ tiên

Thờ phụng, cúng bái gia tiên, ông bà tổ tiên là một trong những nét văn hóa, phong tục truyền thống của người Việt ta, là hành động biểu hiện sự biết ơn, đạo hiếu và uống nước nhớ nguồn của con cháu đối với tổ tiên.

Vào những ngày cuối năm, con cháu trong gia đình sẽ cùng ra thăm mộ tổ tiên để dọn dẹp, làm sạch nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên và người thân. Cùng thành tâm mời ông bà về nhà đón Tết cùng còn cháu.

23 tháng Chạp tiễn ông Táo về trời, mùng 3 – mùng 4 Tết đón ông Táo về lại nhà

Ngày 23 tháng Chạp theo truyền thống được gọi là ngày Tết bếp, là ngày ông Táo về trời để bẩm báo với Ngọc Hoàng những việc trong gia đình của chúng ta một năm qua diễn ra như thế nào. Chính vì vậy, vào ngày này mỗi gia đình người Việt sẽ dọn dẹp sạch sẽ bếp núc, làm mâm cơm nhỏ và mua trái cây, tiền vàng, cá chép để tiễn ông Táo chầu trời.

Tùy theo mỗi gia đình mà chọn ngày rước ông Táo về lại nhà. Có gia đình làm ngày mùng 3 Tết, và cũng có gia đình làm ngày mùng 4 Tết. Gia đình vẫn chuẩn bị cơm nước để cúng và mời ông Táo quay về lại nhà để tiếp tục trông coi và phù hộ cho cuộc sống, công việc của mọi người trong gia đình.

Gia đình sum vầy, cùng gói bánh chưng, bánh tét

Bánh Chưng, bánh Tét là hai loại bánh đặc biệt không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta tính từ thời vua Hùng. Mỗi dịp Tết đến là thời gian cả gia đình sum vầy, quay quần bên nhau để gói bánh và cùng nhau nấu bánh. Thường từ 25 tháng Chạp các gia đình sẽ bắt đầu chuẩn bị nếp, đậu, thịt, lá dong, lá chuối, tre nứa… để bắt đầu gói bánh.

Thời điểm cuối cũng là lúc các gia đình cùng nhau dọn dẹp nhà để năm đón Tết

Cả một năm bận rộn không có thời gian chăm lo cho nhà cửa. Cuối năm là dịp để mọi nhà cùng nhau dọn dẹp, trang trí lại không gian nhà thật đẹp để đón tài lộc, may mắn của năm mới. Những đồ vật cũ, không dùng tới nữa sẽ được bỏ đi để vứt đi những xui xẻo, không may mắn của năm cũ.

Giá trị văn hóa truyền thống: Cúng tất niên, giao thừa, đầu năm

Ngày 30 tháng Chạp là ngày cuối cùng của năm, khi mọi người đã giải quyết hết tất cả công việc của năm cũ và tạm dừng mọi việc để cùng gia đình đón tết. 30 tháng Chạp còn được gọi là ngày Tất niên, mọi nhà sẽ cùng làm mâm cơm thắp hương mời ông bà tổ tiên cùng về ăn Tết cùng gia đình, đồng thời tạm biệt năm cũ và chào đón những điều tốt lành của năm mới sắp đến.

Đến nữa đêm 30, mọi người trong nhà thường không ngủ mà cùng nhau thức đón giao thừa. Đây cũng là thời gian thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ với năm mới. Mỗi nhà lại chuẩn bị thêm một mâm cơm để cùng ông bà tổ tiên và con cháu trong nhà ăn mừng khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng này, đồng thời đem loại bỏ hết những điều xấu không may mắn của năm cũ và cầu mong may mắn vào năm mới.

Cúng đầu năm cũng là một phong tục không thể thiếu vào ngày đầu năm. Tùy theo mỗi gia đình mà chọn ngày cúng từ ngày mùng 1 tháng Giêng đến ngày mùng 3 tháng Giêng. Mâm cơm đầu năm được dâng lên với mong muốn cầu mong may mắn, sức khỏe, bình an và công việc ổn định trong năm mới.

Khai bút đầu năm

Khai bút đầu xuân chính là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt ta. Chúng ta sẽ thường thấy hình ảnh những ông đồ, thầy đồ, học sĩ, thi sĩ hay giới văn sĩ… cầm bút khai chữ đầu xuân, thảo lên những chữ có ý nghĩa lên giấy đỏ hoặc giấy hoa tiên. Khai bút đầu xuân không chỉ tượng trưng cho  sự khởi đầu một công việc, sự nghiệp, sự học của một người mà nó còn có ý nghĩa gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng về một năm mới sẽ gặp nhiều hạnh phúc, và thành công trên con đường học vấn, công danh sự nghiệp.

>> 25 Ý tưởng kinh doanh dịp Tết, gần Tết nên Kinh doanh bán hàng gì?

Mùng 1 Tết đi chùa hái lộc, cầu mong may mắn, sức khỏe, bình an và sự nghiệp

Đi chùa ngày đầu năm là một trong những nét đẹp tâm linh được người Việt ta mãi lưu truyền. Mỗi người đi chùa vào đầu năm để cầu mong bình an, may mắn, sức khỏe cho mọi người trong gia đình. Đồng thời bày tỏ lòng thành kính của mình đối với Phật tổ.

Đi chùa hái lộc tức là sau khi cúng bái, mọi người sẽ xin một cành lộc ở Chùa để mang về nhà lấy may mắn, lấy phước. Đối với miền Bắc phong tục này rất được coi trọng, nhưng ở một số địa phương ở miền khác lại không có phong tục này.

Phong tục truyền thống: xông đất đầu năm

Xông đất cũng là một trong những giá trị văn hóa đặc trưng của ngày Tết cổ truyền người Việt. Xông đất là một sự kiện quan trọng đối với mỗi gia đình trong ngày đầu năm. Để cầu mong may mắn, tài lộc trong năm mới, gia đình thường chọn những người hợp tuổi, có phúc khí, gia đình hạnh phúc, may mắn để xông đất cho nhà mình.

Kiêng kị 3 ngày đầu năm không quét dọn, lau chùi

Nhiều gia đình quan niệm rằng: tài lộc sẽ đến nhiều nhất vào 3 ngày đầu năm. Nếu quét dọn, lau chùi trong ba ngày ngày, điều đó đồng nghĩa với việc đã quét đi, đuổi hết may mắn tài lộc của năm mới ra khỏi nhà. Vì vậy, trong 3 ngày đầu năm họ sẽ không quét dọn, lau chùi nhà cửa mà chỉ dồn tài lộc lại.

Chúc Tết ông bà cha mẹ, mừng tuổi con cháu trong nhà là một nét văn hóa truyền thống ngày Tết của người  Việt

Đây là một nét truyền thống quý báu của dân tộc ta. Ngày Tết là thời gian mọi người sum vầy, vui vẻ dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho nhau. Những người con, người cháu sẽ chúc Tết ông bà bố mẹ mình, với mong muốn ông bà bố mẹ sẽ mãi sống lâu, sức khỏe tốt và luôn vui vẻ bên con cháu. Ngược lại, ông bà bố mẹ sẽ mừng tuổi, lì xì lại cho con cháu để cầu chúc may mắn, bình an và học vấn, sự nghiệp sẽ thành công.

Tết Nguyên Đán là một trong những phong tục truyền thống đặc biệt của người dân Việt Nam. Chỉ vỏn vẹn trong 15 ngày Tết nhưng những nét giá trị đặc trưng nhất của người Việt đều được thể hiện. hy vọng với những chia sẻ trong bài viết Những việc thường làm vào ngày Tết Nguyên Đán này sẽ giúp bạn hiểu thêm về những nét đặc trưng và truyền thống của ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Chúc bạn sẽ đón một cái Tết ấm áp và hạnh phúc bên gia đình của mình nhé!

Trả lời