18 Nghệ thuật giao tiếp trong Kinh doanh

18 Nghệ thuật giao tiếp trong Kinh doanh

Nội dung phân tích tiếp theo chúng ta cùng chia sẻ và thảo luận đó là 18 Nghệ thuật giao tiếp trong Kinh doanh. Giao tiếp cũng cần có những kỹ năng và mẹo để giúp buổi nói chuyện diễn ra suôn sẻ và đạt được mục đích cuối cùng. Dưới đây là 18 nghệ thuật kỹ năng giao tiếp mà bytuong.com muốn chia sẻ với các bạn. Mời các bạn cùng đón đọc.

1, Nghệ thuật giao tiếp – Sử dụng ngôn ngữ hình thể

Ngôn ngữ hình thể rất phổ biến và cần thiết trong cuộc sống ngày hôm nay. Sử dụng ngôn ngữ hình thể giúp bạn biểu đạt được những suy nghĩ, mong muốn của mình đến người nghe tốt hơn. Đồng thời khiến cho cuộc nói chuyện bớt nhàm chán, người nghe có thể nhìn vào những ngôn ngữ hình thể của bạn để nắm bắt nội dung và dễ hiểu hơn.

2, Nhớ tên là một trong những nghệ thuật giao tiếp cơ bản

Khi chúng ta gặp một người nào đó, nếu bạn chào bằng tên của họ sẽ khiến cho cả hai cảm giác gần gũi, thân quen như đã lâu mới gặp lại. Việc giao tiếp bằng tên, nhớ tên đối phương vừa thể hiện sự thân quen vừa khiến cho đối phương cảm thấy được tôn trọng. Nó sẽ giúp ích rất nhiều cho việc tạo không khí thoải mái, gần gũi trong buổi nói chuyện.

3, Kỹ năng giao tiếp thành công – Luôn mỉm cười

Nụ cười là chìa khóa để bạn rút ngắn khoảng cách và giải quyết mọi vấn đề. Hãy luôn bắt đầu buổi nói chuyện bằng một nụ cười thật tươi để tạo sự gần gũi và không khí thoải mái. Cùng đừng nên lạm dụng nụ cười quá nhiều trong buổi nói chuyện vì họ sẽ vô tình khiến đối phương cảm thấy bạn không thật lòng và khó chịu. Tùy theo tính chất và tầm quan trọng của buổi nói chuyện mà bạn nên sử dụng nụ cười như thế nào nhé!

4, Trong quá trình giao tiếp luôn thể hiện thái độ tôn trong với đối phương

Hãy luôn thể hiện thái độ với đối phương thông qua việc lắng nghe, bày tỏ cảm xúc sau những câu chuyện của họ, từ cử chỉ hay thái độ. Khi đối phương cảm thấy được tôn trọng, họ sẽ cảm thấy thoải mái và muốn nói chuyện với bạn hơn.

5, Làm chủ cảm xúc – Nghệ thuật giao tiếp trong kinh doanh

Trong buổi nói chuyện sẽ có những lúc chúng ta tức giận, hoặc khó chịu vì cả hai không đi đến được kết luận cuối cùng. Do vậy, bạn phải luôn làm chủ được cảm xúc của mình và làm chủ được bầu không khí xung quanh. Chúng ta có thể gọi đó là chỉ số EQ. Những người có chỉ số EQ càng cao thì kỹ năng giao tiếp của họ càng tốt.

6, Hãy mạnh dạn bày tỏ ý kiến, quan điểm cá nhân của mình

Trong quá trình nói chuyện với đối tác hay khách hàng, bạn nên mạnh dạn bày tỏ quan điểm của bản thân. Nó sẽ giúp đối phương cảm thấy bạn là một người thẳng thắn, đáng tin cậy. Nhiều người không dám trình bày quan điểm cá nhân của mình vì sợ người khác đánh giá, hoặc sẽ khiến đối tác – khách hàng không hài lòng. Nhưng đó là suy nghĩ chưa đúng. Biết cách nắm bắt thời điểm và đưa ra suy nghĩ của bản thân sẽ là một trong những yếu tố giúp buổi nói chuyện đạt kết quả tốt hơn.

7, Đưa ra gợi ý, hay lời khuyên cho đối phương

Khi đối phương đang cảm thấy bế tắc hoặc không đồng ý với nội dung vừa thảo luận thì bạn nên đưa ra gợi ý hoặc lời khuyên để cả hai cùng bắt đầu lại câu chuyện và tìm hướng giải quyết tốt nhất. Nếu để buổi nói chuyện rơi vào sự im lặng một thời gian dài sẽ khiến cả hai không đạt được kết quả như mong muốn.

8, Kỹ năng nói – Kỹ năng giao tiếp thành công

Giao tiếp trong kinh doanh, bạn không nên nói dong dài, lan man mà hãy tập trung vào nội dung chính, nói chuyện ngắn gọn và xúc tích. Vì những người làm kinh doanh họ thường bận rộn và chỉ muốn lắng nghe những thông tin cần thiết. Cho nên kỹ năng nói ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu và hài lòng đối tác là rất quan trọng.

9, Tìm hiểu đối phương trước khi gặp gỡ

Bạn nên tìm hiểu đối phương trước khi gặp mặt. Những thông tin cần tìm hiểu trước ví dụ như sở thích, thói quen, món ăn ưa thích, công việc, thành tựu, những thông tin cá nhân khác,… Việc có trước những thông tin giúp bạn có chủ đề để bắt đầu câu chuyện và tạo sự gần gũi hơn với họ.

>> Cách giao tiếp nói chuyện với khách hàng

10, Quan tâm đến đối phương, khách hàng, đối tác

Trong buổi nói chuyện, hãy thường xuyên thể hiện sự quan tâm đến đối phương bằng lời nói như hỏi thăm, bằng hành động như rót nước,… đối phương sẽ cảm thấy được quan tâm, tôn trọng và thêm tin tưởng bạn.

11, Chuẩn bị nội dung cuộc nói chuyện

Hãy chuẩn bị nội dung cuộc nói chuyện, xem những nội dung nào cần được nhắc đến trong buổi nói chuyện, nội dung nào nên hạn chế, nội dung nào cần phải đạt được thỏa thuận,… Chuẩn bị trước giúp chúng ta cảm thấy tự tin hơn trong buổi gặp mặt nói chuyện.

12, Kiên định với quan điểm của bản thân

Khi trình bày quan điểm của bản thân, bạn phải bảo vệ và kiên định với nó. Không được để đối phương nắm thóp và khiến bạn xoay chuyển suy nghĩ. Nếu như vậy thì bạn đã thất bại rồi đấy.

13, Không bàn về những vấn đề tiêu cực liên tục

Sẽ có thể xảy ra tranh chấp, hoặc lớn tiếng trong giao tiếp vì cả hai bên đều muốn bảo vệ quan điểm và lợi ích của mình. Nếu để không khí tiêu cực đó mãi kéo dài suốt buổi nói chuyện sẽ khiến cho cả hai cảm thấy khó chịu và không đi đến kết quả cuối cùng được. Cho nên, hãy tìm cách giải quyết vấn đề, suy nghĩ tích cực hơn và hạn chế nói đến những vấn đề tiêu cực khác.

14, Chú ý đến cách sử dụng từ ngữ

Không nên sử dụng những từ ngữ có nhiều nghĩa gây hiểu lầm, hoặc những từ có nghĩa bóng, từ ngữ nhạy cảm. Nên suy nghĩ và sắp xếp câu từ trước khi phát ngôn. Vì nó sẽ ảnh hưởng đến kết quả của cuộc nói chuyện.

15, Chịu trách nhiệm với lời nói của bản thân

Trong kinh doanh, những lời nói ra đều có ý nghĩa và đi đến kết luận. Cho nên không được đùa giỡn hay chỉ nói bâng quơ để tạo thiện cảm. Bạn phải chịu trách nhiệm với lời mình nói để đảm bảo uy tín và sự tin cậy của đối phương. Do vậy, việc phát ngôn hay ra quyết định chóng vánh rất nguy hiểm.

16, Nắm bắt tâm lý của đối phương

Trong buổi nói chuyện, hãy luôn quan sát và nắm bắt tâm lý đối phương để dẫn dắt câu chuyện theo hướng tích cực và có lợi cho mình hơn. Bạn có thể để ý thông qua biểu cảm, cử chỉ, thái độ của đối phương. Không nên nhìn chằm chằm vào đối phương một lúc lâu mà hãy quan sát tinh ý trong lúc nói chuyện. Ví dụ như lúc nâng ly lên uống nước sẽ trnah thủ nhìn biểu cảm khuôn mặt của họ,…

17, Luôn lắng nghe, không nên nói quá nhiều

Bạn không nên tranh nói quá nhiều trong buổi nói chuyện. Nó sẽ khiến đối phương cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và thiếu sự tôn trọng. Đối phương sẽ nhanh chóng muốn kết thúc buổi nói chuyện và đi về ngay. Cho nên, bạn chỉ nên nói ngắn gọn những nội dung mình cần nói, hãy đặt câu hỏi cho đối phương để gợi mở câu chuyện và lắng nghe họ nói. Điều này giúp đối phương cảm nhận được sự chia sẻ, tôn trọng và muốn nói chuyện với bạn nhiều hơn.

18, Chú ý vẻ bề ngoài khi có cuộc gặp nói chuyện với một ai đó.

Vẻ bề ngoài giúp tạo nên sự tin tưởng, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Tùy theo tính chất buổi gặp mặt mà bạn nên lựa chọn cho mình những bộ trang phục phù hợp. Nên ăn mặc tối giản, màu sắc nhạt, không lòe loẹt hoặc quá rối rắm. Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng trong buổi gặp mặt vì vậy đừng bỏ qua yếu tố vẻ bề ngoài nếu bạn muốn giao tiếp thành công.

Trả lời