Khi chúng ta bước vào độ tuổi 20, bắt đầu có cho mình những định hướng nghề nghiệp hoặc đơn giản là đi làm để có thu nhập. Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất tại thời điểm đó chính là: Có nên làm công việc mình không thích?
Nhiều người trẻ vì muốn theo đuổi đam mê, sở thích và mục tiêu của mình mà quyết định sẽ không làm nghề mình không thích. Có những người thành công với sự lựa chọn này, và cũng có rất nhiều người phải buôn bỏ giữa đường.
Được làm công việc mình yêu thích, được kiếm ra tiền từ chính đam mê sở thích đó là một điều tuyệt vời. Nhưng đâu phải dễ. Với sự lựa chọn nào, tài chính luôn là một vấn đề quan trọng cần quan tâm. Dù bạn có đam mê mãnh liệt nhưng không có đồng nào thì cũng sẽ không bắt tay bào thực hiện đam mê đó được.
Chúng ta thường được đọc những bài báo về những doanh nhân thành công, những người thành công trên con đường theo đuổi đam mê của họ. Nhưng có lẽ chúng ta đã bỏ xót những câu chuyện phía sau thành công đó. Những người thành công với đam mê họ cũng đã từng làm những việc không thích làm để học hỏi kinh nghiệm, tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng và có thu nhập trong khoảng thời gian đó.
Do đó, đừng vội vàng với suy nghĩ nhất định phải làm công việc mình yêu thích. Có nên làm hay từ bỏ việc mình không thích làm chính là chủ đề mà chúng ta cùng nhau chia sẻ để có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề này.
Chúng ta đều biết rằng, khi đến tuổi trưởng thành, mỗi người sẽ cần tìm cho mình một hay nhiều công việc để có thể kiếm tiền, nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Nếu đó là công việc mà ta yêu thích thì thật may mắn, nhưng nếu không thì cũng đừng vội chán nãn.
Tại mỗi thời điểm, chúng ta luôn có những vấn đề cần ưu tiên giải quyết trước. Tài chính là một trong số đó. Chúng ta phải công nhận rằng: không có tiền không thể làm được gì. Bạn không thể trả tiền nhà, tiền sinh hoạt hay mua những món mình thích. Vì thế, đôi khi chúng ta phải chấp nhận tạm gác niềm đam mê, sở thích ấy sang một bên để làm công việc mình không thích nhưng mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Có nên từ bỏ công việc mình không thích?
Hầu hết tất cả mọi người đều sẽ trải qua giai đoạn chán công việc mình đang làm và suy nghĩ sẽ nghỉ việc, nhảy việc. Trước khi đưa ra quyết định, bạn hãy thử trả lời những câu hỏi sau:
– Câu hỏi quan trọng đầu tiên, bạn biết rằng mình không thích công việc đang làm, vậy công việc mà bạn thực sự thích và muốn làm là gì?
Đôi khi chúng ta rất rõ ràng trong việc xác định được công việc hay điều mà bản thân không thích nhưng lại rất mơ hồ với việc thích gì, muốn gì. Ví dụ, có người bảo rằng họ rất thích làm về truyền thông, quảng cáo hay các công việc liên quan đến sáng tạo. Nhưng khi được hỏi cụ thể về bộ phận họ muốn được tham gia, về kiến thức trong ngành, … thì họ lại không biết gì.
Do đó, đừng vội quyết định nghỉ việc chỉ vì bạn không thích công việc cũ và cũng mơ hồ với điều mình thích
– Thứ hai: bạn có kỹ năng, kiến thức để làm điều mình thích hay không.
Thích thôi là chưa đủ. Giả sử như bạn rất thích nghề thiết kế đồ họa để vẽ ra những ý tưởng sáng tạo của bản thân. Nhưng bạn lại không biết vẽ, khả năng sử dụng máy tính hạn chế. Bạn có thể theo học, nhưng quan trọng là kỹ năng vẽ – cái mà người ta hay gọi là năng khiếu. Nếu không biết vẽ, làm sao bạn làm được nghề này.
Hay như bạn thích làm ca sĩ, nhưng lại không có hiểu biết về thanh nhạc và khả năng hát chỉ ở mức bình thường.
Nói có thể làm tổn thương đến bạn, nhưng chúng ta nên nhìn vào thực tế khả năng chúng ta có làm được việc mà mình thích hay không. Bạn vẫn có thể duy trì sở thích hát và không nhất thiết phải làm ca sĩ. Quyết định theo đuổi đam mê, sở thích cũng nên dựa vào khả năng thực tế.
– Có nên đi làm công việc mình không thích? Vấn đề thứ 3 chính là khả năng tài chính của bạn
Muốn theo đuổi đam mê, công việc yêu thích mà không có tiền thì bạn sẽ làm như thế nào? Hay nếu đang làm công việc cũ với mức lương ổn định, sau khi nghỉ việc bạn sẽ kiếm thu nhập từ đâu trong thời gian chờ tìm được công việc yêu thích đúng ý bạn? Hoặc giả sử bạn tìm được công việc mới phù hợp ngay sau đó nhưng mức lương thấp hơn, điều đó đồng nghĩa với việc chi tiêu của bạn bị cắt giảm, bạn có thích ứng được?
Tài chính là một vấn đề rất quan trọng. Chúng ta đi làm để học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng, xây dựng mối quan hệ, thăng tiến trong sự nghiệp,…và quan trọng là kiếm tiền.
Nếu bạn dư giả, có điều kiện tài chính thoải mái thì có thể dễ dàng hơn trong việc nghỉ việc cũ, tìm việc mới.
Nhiều người dù cảm thấy chán nãn với công việc hiện tại nhưng không dám thay đổi công việc vì áp lực tài chính. Do đó, nếu muốn nghỉ việc, bạn nên tiết kiệm ngay từ bây giờ, có cho mình vài khoản tài chính dự phòng có thể giúp bạn duy trì cuộc sống trong vòng 6 tháng -1 năm. Đây là điều bạn cần lưu ý khi muốn nhảy việc.
– Đừng bỏ qua tâm lý khi thay đổi công việc: chúng ta không thích chắc chắn 100% được rằng khi sang công ty mới, môi trường mới thì mọi thứ sẽ thuận lợi.
WOW! Thật tuyệt vời khi bạn đã được làm công việc mình yêu thích. Nhưng bạn vẫn chưa kịp hòa đồng với đồng nghiệp, áp lực công việc lớn hơn những gì bạn tưởng, Sếp khó tính,…. Tất cả những điều này có thể khiến cho bạn bị khủng hoảng tâm lý khi nhảy việc.
Và đôi khi nó cũng chính là tác nhân biến công việc bạn yêu thích thành công việc bạn cảm thấy sợ và không thích. Do đó, trước khi đưa ra quyết định, hãy tìm hiểu về môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến, …tại công ty mới xem bạn có đáp ứng được và thích ứng được hay không.
>> 3 ngành nghề kinh doanh có triển vọng lớn trong năm 2020
Chưa làm sao biết mình chưa thích!
Bạn biết chúng ta có một điểm chung đó là gì không? Chính là sự nóng vội khi đưa ra phán xét.
Khi bắt đầu làm một công việc, chưa gì chúng ta đã nói rằng: “tôi không thích công việc này”. Chúng ta chỉ mới bắt đầu, phải làm thì mới biết công việc này mang lại những lợi ích gì cho bản thân, chúng ta học được những kỹ năng, kiến thức và có được những mối quan hệ như thế nào.
Ngoài ra, nếu chúng ta cứ giữ mãi suy nghĩ tiêu cực về công việc ấy thì mọi vấn đề nhìn ra cũng đều tiêu cực. Vì thế, hãy thay đổi sự tiêu cực ấy thành tích cực. Từ đó, giúp chúng ta cảm thấy thoải mái, yêu thích công việc này hơn.
“Phải làm thì mới biết mình có thích hay không” cũng giống như việc bạn thử ăn một món ăn mới, thấy ngon thì mới thích nó. Công việc cũng tương tự vậy. Phải làm thử rồi bạn mới nhận ra được những điểm tốt, điểm thú vị trong công việc mình đang làm. Và dần dần xây dựng sự yêu thích với nó.
Hãy xem thời gian làm công việc mình không thích là một cơ hội để học hỏi. Càng có nhiều kiến thức, kỹ năng và mối quan hệ thì sẽ giúp ích cho bạn hơn.
Và một điều mà chúng ta thường hay nói, đó là: nghề chọn mình. Đôi khi vì một số lý do nào đó bạn phải dấn thân vào công việc đó. Sau một thời gian nhận ra rằng mình thực sự hợp với nó. Cũng như nhiều ca sĩ nổi tiếng hiện nay như Tóc Tiên, cô trước đây vốn học nghề y nhưng cuối cùng lại theo nghề ca sĩ.