Mâm ngũ quả là một trong những nét truyền thống của người dân Việt Nam. Phong tục này đã có từ lâu đời.
Ngũ quả gồm 5 loại quả tượng trưng cho 5 yếu tố: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Đồng thời, mâm ngũ quả thường được bày số lẻ, thường là 5 loại quả để thể hiện sự phát triển. Tuy nhiên, hiện nay mọi người không còn quá khắt khe đến số lượng quả mà thay vào đó họ muốn lựa chọn các loại quả có ý nghĩa để cầu may mắn, hạnh phúc, bình an, sung túc.
Mỗi vùng miền lại có cho mình một mâm ngũ quả đặc trưng. Người Miền Bắc thường sử dụng bưởi, chuối, hồng, quýt, đào hoặc có thêm thanh long để bày lên mâm ngũ quả. Nãi chuối lớn sẽ được đặt dưới, sau đó là các loại quả khác ở trên.
>> Những ý tưởng tạo nên sự khác biệt của trẻ Đức, đất nước có nền kinh tế phát triển vượt bậc Châu Âu
Người Miền Nam thì thường sử dụng mãng cầu, đu đủ, dừa, xoài, sung để hợp thành câu: “cầu sung vừa đủ xài”. Ngoài ra, người Miền Nam còn sử dụng dừa, dưa hấu để chưng trên bàn thờ.
Còn người Miền Trung thì ít câu nệ hơn. Họ sẽ cố gắng bày mâm ngũ quả theo điều kiện của gia đình. Nguyên nhân xuất phát từ cuộc sống vốn khốn khó của người dân nơi đây, nên họ làm mọi thứ chủ yếu bằng tấm lòng.
Mâm ngũ quả nên được sắp xếp đầy đủ các loại trái với nhiều màu sắc khác nhau. Nếu bạn kĩ tính có thể tìm hiểu thêm về ý nghĩa của từng loại quả và màu để chọn cho mình những loại trái đẹp nhất dâng lên ông bà tổ tiên.