Trước đề xuất xây dựng hình thức quản lý xe công nghệ như taxi truyền thông, nhiều tài xế bày tỏ sự lo lắng vì nếu đề xuất này được áp dụng, họ sẽ đứng trước nguy cơ giảm thu nhập, thậm chí là mất việc làm.
Chạy xe công nghệ được hơn 1 năm với mức thu nhập trừ chi phí mỗi tháng bỏ túi hơn 20 triệu đồng, ông Nguyễn Nông Phu (50 tuổi, ngụ quận 9, TP.HCM) cho biết: “Hầu hết chúng tôi chạy xe công nghệ đều được hành khách đánh giá hài lòng với những tiện ích như: Giá rẻ, hành trình rõ ràng, đặt xe nhanh, không bị chặt chém… nên ai chăm chạy thu nhập rất khá. Không chỉ tôi mà các anh em tài xế đều cho rằng từ khi các hãng xe công nghệ đầu tư triển khai tại Việt Nam đã khai thác triệt để những phương tiện rảnh rỗi và lao động dư thừa trong xã hội, tạo mức thu nhập ổn định cho người dân. Ngoài việc chạy xe công nghệ thì tài xế vẫn có thể sử dụng xe vào nhiều công việc riêng tư khác hoặc có người chỉ chạy xe kiếm thêm thu nhập. Vì vậy không thể quản lý xe công nghệ như taxi truyền thống. Nếu vậy sẽ đánh mất sự cơ động, tiện dụng và sự linh hoạt về thời gian cho cả người dùng và các đối tác tài xế. Hiện nay chúng tôi chạy xe vẫn đóng thuế cho nhà nước nghiêm chỉnh trên từng cuốc xe, chấp hành mọi quy định đăng kiểm, gắn thiết bị giám sát hành trình, vì vậy không nên áp đặt theo khuôn khổ “cái cũ” để gây khó khăn cho cả tài xế. Các cơ quan chức năng nên lấy thước đo, sự đánh giá hài lòng và lựa chọn của người dân, qua đó làm cơ sở để có một cơ chế quản lý cho phù hợp”.
Có thể thấy đề xuất này vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều. Đặc biệt là sự phản đối của các tài xế xe công nghệ cao.
Anh Huỳnh Xuân Bình (33 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM) đã có 5 năm gắn bó với taxi công nghệ bày tỏ sự lo lắng : “Xe công nghệ hiện nay phục vụ cho hành khách rất tiện ích, cước phí rẻ. Nếu gắn mào như taxi truyền thống thì có được tăng giá cước không, hay chỉ “gắn mào” cho có hình thức, vừa rườm rà vừa bất tiện. Hơn nữa, hiện nay tại các đô thị lớn như TP.HCM, tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng, nếu không có dịch vụ xe công nghệ tận dụng những phương tiện dư thừa sẽ phát sinh nhiều gia đình, cá nhân mua xe để chạy phục vụ công việc, như vậy lại càng kẹt xe hơn”.
Còn chưa kể, việc quản lý 2 hình thức xe này giống nhau sẽ khiến chi phí bỏ ra cho cả 2 loại hình đều như nhau. Quy định bắt buộc “gắn mào” sẽ phát sinh thêm chi phí, như vậy chắc chắn người tiêu dùng phải gánh.
Trong môi trường cạnh tranh như bây giờ, khách hàng đòi hỏi rất cao ở chất lượng phục vụ của xe, không chỉ đơn giản là đi mà còn chất lượng, hình thức xe. Nếu “gắn mào” như taxi truyền thống thì số lượng hành khách đặt xe sẽ giảm đáng kể, đồng nghĩa với việc tài xế cũng giảm thu nhập.
Rõ ràng, cơ quan chức năng cần phải giải quyết được các vấn đề đặt ra trước khi muốn quản lý xe công nghệ và xe truyền thống như nhau.