Mô hình sử dụng các giống ngô sinh khối, có khả năng chịu hạn tốt, sinh trưởng và phát triển khoẻ, dễ chăm sóc, chiều cao đạt từ 2,2-2,3m, đường kính thân lớn; thời gian sinh trưởng từ khi gieo trồng đến lúc chín sữa khoảng 75-80 ngày. Qua triển khai cho thấy ngô sinh khối có khả năng thích ứng rộng với điều kiện ngoại cảnh, thổ nhưỡng của người dân dọc 2 bên bờ sông Lam.
Sau khi có hiệu quả, ở xã Đỉnh Sơn, Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) lâu nay đã vẫn dụng cơ giới hóa vào trồng ngô nhưng không phải lấy bắp mà bán cả cây cho các trang trại nuôi bò. Nhờ đó, mỗi năm bà con trồng được 3 – 4 vụ, cho thu nhập ổn định gần 100 triệu đồng/ha/năm.
Chúng tôi đến xã Đỉnh Sơn nơi có nhiều hộ dân tham gia trồng ngô sinh khối. Gia đình ông Nguyễn Văn Hoàn và bà Nguyễn Thị Hiền là những hộ đi đầu trong xã về trồng và chăm sóc ngô, mỗi hộ trồng trên dưới 1ha.
Các hộ này cho biết, do đất trồng hoa màu gia đình đang sản xuất kém hiệu quả, sau khi được tuyên truyền vận động, đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng ngô sinh khối. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc, nên cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt, sau gần 3 tháng đã cho thu hoạch, năng suất đạt 50 tấn/ha. Các gia đình có thể sản xuất được 3 vụ ngô/năm, hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với trồng lúa và các loại rau màu khác.
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn cho biết: “Vụ Xuân năm nay, cả xã chúng tôi có hơn 200 ha bãi ngang, bãi bồi được người dân tận dụng trồng ngô sinh khối, do năm nay thời tiết có hạn hán nhưng do trồng giống ngô tốt, chịu được khí hậu và thổ nhưỡng nên giống ngô cũng cho năng suất cao. Hơn nữa, vụ mùa năm nay, bà con đã biết đưa máy móc cơ giới hóa vào đồng ruộng nên vừa tận dụng được thời gian công sức từ thu hoạch, gieo trỉa cho đến chăm sóc”.
Trong số hơn 2.300 ha ngô mỗi vụ của toàn huyện Anh Sơn, có khoảng hơn 400 ha được người dân các xã Tam Sơn, Đỉnh Sơn, Thạch Sơn, Cẩm Sơn trồng ngô sinh khối lớn. Ông Nguyễn Đình Đăng – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn cho biết: ngô sinh khối có nhiều cái lợi như rút ngắn thời gian mỗi vụ; tránh được lũ chính vụ; tăng hệ số sử dụng đất và tăng hiệu quả kinh tế… Việc áp dụng thí điểm trồng ngô 4 vụ/năm hiện nay mới chỉ có xã Tam Sơn thực hiện, tuy nhiên qua đánh giá ban đầu cho thấy rất khả quan. Hiện nay ngành nông nghiệp huyện đang theo dõi, đánh giá từ đó nhân rộng mô hình.