Nhiều chuỗi ăn uống (F&B) tại Việt Nam xuất phát từ TP.HCM đều mất vài năm mới tiến ra Hà Nội. Nguyên nhân do đâu và các nhà đầu tư cần lưu ý những gì khi muốn tiến vào thị trường này?

Có thể nói các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, hay thương hiệu đồ uống đã không còn quá xa lạ với giới trẻ Việt Nam. Thậm chí, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt giải trí của giới trẻ ngày nay. Tuy nhiên, có một thực tế là các thương hiệu F&B thường bắt đầu xuất hiện và phát triển khá mạnh ở thành phố Hồ Chí Minh rồi sau đó họ mới “Bắc tiến” tức là xuất hiện tại Hà Nội. Không chỉ thế, nếu thị trường Sài Gòn tăng trưởng nhanh với tốc độ các cửa hàng chi nhánh liên tiếp mọc ra thì Hà Nội lại khá ảm đạm và thường chỉ có một cửa hàng. Nguyên nhân này đến từ đâu?

Ví dụ như, lần đầu tiên thương hiệu đồ uống nổi tiếng Sài Gòn- Phúc Long Coffee & Tea House chính thức đặt chân vào thị trường đồ uống miền Bắc là việc khai trương cửa hàng đầu tiên của mình tại Indochina Xuân Thủy (Hà Nội).

Trước đó, Phúc Long đã liên tiếp tạo nên tiếng vang lớn tại thị trường đồ uống miền Nam với sự phủ sóng ở 4 tỉnh thành như: Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bình Dương, Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi tiến ra thị trường miền Bắc, chắc chắn thương hiệu này phải cần xây dựng lại cho mình chiến dịch và những kế hoạch cụ thể nếu không muốn bị chìm ngập trong nhiều thương hiệu khác.

Hiện tại, có thể dễ dàng điểm mặt những “ông lớn” đã xuất hiện tại thị trường miền Bắc như: Starbucks, Highland Coffee, Ding Tea, Cộng,….Ngay đến thương hiệu nổi tiếng Starbucks ngày đầu tiên đến Hà Nội cũng đã thu hút số đông khách hàng, nhưng rồi cơn sốt Starbucks cũng ngày một giảm.

Lý giải cho những khác biệt giữa 2 miền này, nguyên nhân đầu tiên được đưa ra là thời tiết. Nếu ở Sài Gòn thời tiết không quá khắc nghiệt, mưa nắng đan xen và khá dễ chịu thì ở Hà Nội lại ngược lại. Mùa nóng và lạnh được phân chia rõ rệt, mùa hè thì nóng cháy da mùa đông thì rét cắt da cắt thịt.Vì thế việc tiêu thụ thức ăn sẽ theo đó khó khăn hơn. Nếu mùa đông phù hợp với lẩu, nướng thì đến mùa hè thì kem, hay trà sữa mới là lựa chọn của người dân thủ đô. Đây chính là thử thách với các chuỗi cửa hàng F&B.

Chưa dừng lại ở đó, số lượng dân cư ở 2 tỉnh này có cách biệt rất lớn. Nếu Sài Gòn có 7,5 triệu dân đô thị. 19/24 quận nội thành trên 400km2; thì Hà Nội chỉ có 3,8 triệu 12/30 quận nội thành trên 300km2. Rõ ràng, với sự tập trung như vậy thị trường Hà Nội sẽ trở nên khó khăn hơn, việc thuê mặt bằng khó hơn, chi phí thuê mặt bằng cao hơn, các chuỗi phải cạnh tranh nhiều hơn.

Theo thống kê, người trẻ Sài Gòn cứ 2 ngày sẽ đi ăn tiệm 1 lần, còn Hà Nội là 3 ngày, và người Hà Nội luôn tỏ ra khó tính hơn vì vậy việc giữ và thu hút khách trở nên khó khăn hơn. Họ đưa ra yêu cầu về tất cả các mặt cao hơn, việc làm khách hàng hài lòng khó khăn hơn.

Tuy nhiên, sự khắt khe cũng như khó khăn sẽ là động lực để các chủ cửa hàng nâng cao chất lượng dịch vụ. Và Hà Nội vẫn là một thị trường tiềm năng trong lĩnh vực đồ ăn nhanh.

 

 

 

Trả lời