Mở tiệm làm móng không hề đơn giản chỉ là làm kinh doanh. Không chỉ cần vốn mà bạn phải có cả lòng yêu nghề, bàn tay nghệ thuật và đôi mắt thẩm mỹ. Nếu bạn là người thực sự yêu thích nghề làm móng, vừa muốn thỏa đam mê vừa muốn sống được bằng nghề thì có thể chọn phương án làm chủ một tiệm làm móng, làm nail thay vì đi làm thuê.
Chọn địa điểm trung tâm?
Làm móng không phải là dịch vụ thiết yếu hàng ngày, đối tượng nghề này hướng đến là những phụ nữ có điều kiện và thời gian. Vì thế không cần phải chọn một địa điểm quá trung tâm, mặt tiền của con phố lớn nào đó vì chi phí thuê mặt bằng rất đắt.
Đại đa số các tiệm làm móng đẹp, lâu năm đều nằm trong các con phố nhỏ, diện tích khá khiêm tốn nhưng lại có lượng khách đều đặn. Nhưng vì là người mới bắt đầu mở tiệm vì thế bạn nên chọn địa điểm là những con phố đông người qua lại, tránh mở ở những nơi hẻo lánh, dân cư có mức thu nhập trung bình, vì họ không có thời gian cũng như có nhu cầu để làm đẹp móng.
Bạn nên chọn khu phố tập trung nhiều cửa hàng quần áo thời trang, tiệm làm tóc hay gần các thẩm mỹ viện, spa để có thể tận dụng được lượng khách hàng sẵn có ở đây.
> Không nên kinh doanh sản phẩm thời trang nữa?
Nguồn vốn
Hầu hết các tiệm làm móng hiện nay đều chọn địa điểm kinh doanh trong các con ngõ trên tuyến phố lớn vì thế chi phí mặt bằng cũng giảm đi ít nhiều. Diện tích tiệm làm móng chỉ loanh quanh từ 10 đến 20 mét vuông đã là rất rộng rãi vì nghề này không cần trang bị những loại máy móc cồng kềnh, giá thuê thường rơi vào khoảng từ 4 đến dưới 10 triệu đồng.
Ngoài ra bạn cần đầu tư thêm một vài bộ ghế, bàn để chân, dụng cụ làm móng chuyên nghiệp… Số vốn ban đầu bạn cần chuẩn bị sẽ vào khoảng 50 đến 80 triệu đồng. Cho tiền thuê nhà 6 tháng, tiền trả lương nhân viên, tiền mua sắm dụng cụ, nguyên liệu ban đầu. Có thể số tiền này bạn sẽ không cần dùng hết nếu ngay trong thời gian đầu, cửa tiệm của bạn đã có lượng khách đông đúc, đều đặn.
Làm giàu dễ dàng từ nghề làm móng
Để khách hàng có một bộ móng đẹp, người làm phải rất tỉ mỉ từ khâu chăm sóc móng, nhặt da, sơn vẽ móng… vì thế tùy vào mức độ phức tạp cũng như chất liệu sử dụng mà giá của mỗi bộ móng có sự khác nhau.
Một bộ móng tay vẽ họa tiết đơn giản có giá từ 30 đế 50 nghìn một bộ. Nếu vẽ cầu kỳ, sử dụng sơn cao cấp thì số tiền sẽ là 100 đến 200 nghìn/bộ. Bộ móng gắn đá thì có giá cao hơn khoảng 300 nghìn/bộ. Nếu làm tốt, lượng khách quen đông thì số tiền thu về là không hề nhỏ.
Chỉ khoảng 3 đến 5 triệu đồng cho một khóa học làm móng ở trung tâm, chỉ sau 3 tháng nhiều bạn đã có thể tự kiếm tiền được bằng nghề này. Nhiều bạn cũng chọn cách làm học viên ở chính những cửa tiệm làm móng để có cơ hội tiếp xúc và thực hành luôn.
Quan tâm đến khách hàng
Trước khi đưa ra quyết định mở tiệm làm móng, hầu hết các cô chủ đều là người làm trong nghề lâu năm có nhiều khách hàng hàng quen thân. Vì thế thời gian đầu sẽ có rất nhiều khách hàng tìm đến bạn nhờ mối quan hệ. Để họ tiếp tục quay lại và giới thiệu thêm nhiều bạn bè mới thì chắc chắn khâu chăm sóc khách hàng tuyệt nhiên không được bỏ qua.
Luôn mang tâm trạng vui vẻ, thân thiết khi trò chuyện với khách hàng. Thái độ nồng nhiệt, thân thiện của nhân viên luôn là chiêu thức giữ chân khách hàng tốt nhất.
Quảng cáo cho cửa hàng
Ngoài hình thức quảng cáo truyền miệng từ khách hàng quen, các cửa tiệm nên chọn quảng bá cửa hàng của mình qua mạng. Không cần lập website nhưng nên tham gia vào các mạng xã hội như facebook, zalo hay các diễn đàn, thường xuyên cập nhật những mẫu nail mới, viết các bài chia sẻ để thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng.