Tâm trạng của người nghỉ hưu, và những bài học ta ngộ được

Tâm trạng của người nghỉ hưu, và những bài học ta ngộ được

Chúng ta sau một khoảng thời gian dài làm việc, công tác dù là lao động tay chân hay lao động trí óc đều sẽ đến lúc cần được nghỉ ngơi, dành nhiều thời gian sum vầy, vui chơi với con cháu và hưởng thụ cuộc sống hơn.

Độ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Nhà nước được quy định: Nam từ đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi đối với trường hợp làm việc trong môi trường bình thường. Khi nhắc đến hai chữ “nghỉ hưu” chúng ta luôn luôn có những cảm xúc khó tả, vậy tâm trang của người nghỉ hưu như thế nào, và những bài học ta ngộ được?

1, Tâm trạng buồn bã, hụt hẫng và không quen

Sau một thời gian dài cống hiến và làm việc hết sức mình, chúng ta sẽ đến tuổi được nghỉ hưu, được tận hưởng cuộc sống về già.

Đối với những người đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lí khi mình về hưu thì họ sẽ cảm thấy thoải mái, vui vẻ và chỉ có một chút gì đó chưa quen với thói quen đến cơ quan như ngày thường. Họ tự biết cách tận hưởng cuộc sống khi về già với con cháu của mình. Đây là một số ít những người mong muốn được nghỉ hưu.

Đối với những người chưa chuẩn bị tâm lí để đón nhận việc mình về hưu sẽ cảm thấy buồn chán, hụt hẫng ngay khi vừa được nghỉ hưu. Họ cảm thấy khó chịu và không quen khi không được làm việc. Có nhiều người mặc dù đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn muốn được tiếp tục làm việc, sống tiếp với đam mê thời trẻ của mình.

2, Tâm trạng cô đơn

Ngày thường khi đi làm sẽ được gặp bạn bè, đồng nghiệp. Luôn có nhiều người xung quanh để nói chuyện, tán gẫu và rủ nhau tụ tập vào cuối tuần. Nhưng khi về hưu, họ cảm thấy cô đơn, không có bạn bè, không có ai để thường xuyên gặp mặt, tán gẫu như trước. Vì bạn bè, đồng nghiệp sẽ bận rộn với công việc và gia đình của họ. Con cháu sẽ bận rộn với việc học và công việc hằng ngày. Từ đó, tạo ra một khoảng trống trong lòng của các bậc ông bà, bố mẹ khi họ về hưu. Họ sẽ cảm giác không có ai quan tâm đến mình, cảm thấy việc về hưu rất đáng sợ và không muốn phải về hưu.

>> Về hưu nên kinh doanh gì? Cách kinh doanh cho người nghỉ hưu

3, Tâm trạng tự ti, bi quan

Trong thời gian đầu của việc nghỉ hưu, ông bà, bố mẹ ta thường cảm thấy nhàm chán nên muốn tìm kiếm việc gì đó để làm. Nhưng với tâm lí là con cháu, chúng ta luôn luôn chỉ muốn ông bà, bố mẹ được nghỉ ngơi, vui vẻ mà không phải động chân động tay vào việc gì. Nếu chúng ta cư xử tinh ý và tâm lí thì sẽ không sao, ông bà bố mẹ chúng ta vẫn vui vẻ. Nhưng nếu chúng ta không để ý những lời nói cũng như hành động của mình sẽ vô tình làm tổn thương đến họ. Ông bà, bố mẹ sẽ nghĩ rằng họ về hưu không làm được việc gì sẽ trở thành gánh nặng cho con cháu, khiến con cháu khó chịu. Họ sẽ trở nên tự ti hơn trong việc giao tiếp với con cháu hằng ngày vì sợ làm phật lòng con cháu.

Ở độ tuổi 55 – 60, sức khỏe ông bà, bố mẹ ta sẽ trở nên yếu hơn, tâm lí, tính tình cũng theo đó thay đổi. Cũng có nhiều người trở nên cáu gắt, nóng tính và khó chịu. Vì họ không còn được làm những gì mình muốn như trước kia nữa mà cái gì cũng phải nghe theo con cháu.

4, Tâm trạng hoài cổ, nuối tiếc

Khi còn làm việc và cống hiến, ông bà bố mẹ ta chỉ tập trung vào sự nghiệp, vào cuộc sống. Để đến khi về già, thời gian rảnh rỗi lại nghĩ về quá khứ, lại hoài niệm về những chuyện xưa.

Khi tụ tập với những người bạn già, họ lại thi nhau kể về những chiến tích, công lao ngày xưa đạt được, hay chỉ là những chuyện xảy ra trong công việc mà giờ họ mới nhớ lại và muốn chia sẻ… Đó cũng chính là một thú vui khi về già mà ông bà, bố mẹ ta rất thích.

Ngồi nhớ lại, ông bà bố mẹ sẽ nghĩ về những việc thời trẻ chưa hoàn thành được và rồi lại cảm thấy tiếc nuối, ước gì mình có thêm vài năm nữa để hoàn thành nó. Nhưng thời gian trôi qua không lấy lại được, ông bà bố mẹ ta lại nuối tiếc và chỉ biết đặt niềm tin vào thế hệ con cháu.

5, Tâm trạng vui vẻ, đón nhận cuộc sống mới

Trái ngược với một bộ phận có tâm lý buồn chán, không muốn về hưu thì có một bộ phận những người lớn tuổi mong được về hưu để tận hưởng cuộc sống, gần gũi với gia đình hơn.

Những người thuộc bộ phận này có tinh thần rất lạc quan, yêu đời và biết cách tận hưởng cuộc sống về hưu của mình.Sau khi về hưu, họ có thể dành thời gian chăm sóc, vui vẻ với gia đình hơn. Hay có nhiều người lựa chọn việc trải nghiệm thêm cuộc sống bằng việc đi du lịch, leo núi, tập dưỡng sinh, hay tập nhảy,…. Họ luôn tự biết cách tạo niềm vui trong cuộc sống cho chính mình và chính điều đó khiến con cháu cảm thấy hạnh phúc vì sau thời gian dài cống hiến và làm việc, ông bà bố mẹ mình đã có thể thoải mái, vui vẻ và sống hạnh phúc.

Tâm lý của người già khi về hưu rất nhạy cảm, họ cần được quan tâm và chăm sóc nhiều hơn. Nên nếu ông, bà bố mẹ bạn chuẩn bị về hưu hay đang nghỉ hưu, hãy quan tâm và dành thời gian bên họ. Cứ để ông bà, bố mẹ làm những gì họ thích, vì đó là cách họ lựa chọn nghỉ hưu như thế nào.

Trả lời