Sống tại Đắk Lắk từ nhỏ, cô bạn trẻ Nguyễn Thị Thanh Loan nhận thấy rằng nơi đây trồng rất nhiều loại trái cây ăn quả đem bán mang lại thu nhập rất cao. Và trong đó có mít. Người dân xung quanh các huyện Eakar, Krong Buk,… thường thu mua mít trái để về bóc lấy múi, làm nguyên liệu cho sản xuất mít sấy. Phần vỏ, xơ mít và hạt bị đem vứt bỏ thành đống, gây hôi thối.
Vốn là một cử nhân điều dưỡng, Loan biết rằng nếu cứ để tình trạng này xảy ra sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của bà con xung quanh, đồng thời gây lãng phí nguồn tài nguyên. Vì thế cô đã về bàn với chồng mình là một kỹ sư lâm sinh về ý tưởng dùng phế phẩm từ mít để làm thức ăn gia súc.
>> Cách kiếm tiền của người Nhật từ những khu vườn ngắm cảnh
Với số vốn 10 triệu đồng, hai vợ chồng Loan đã thành lập công ty Minh Phát chuyên thu mua nông sản và sản xuất thành thức ăn gia súc. Công việc đầu tiên cô thực hiện đó là giới thiệu cho bà con biết công ty của cô thu mua phế phẩm từ mít hay từ các nông sản khác để họ mang đến bán.
Nhờ ý tưởng kinh doanh bảo vệ môi trường, lại còn mang thêm nguồn thu nhập cho bà con, công ty Minh Phát của hai vợ chồng Loan ngày càng làm ăn thuận lợi và nhận được sự giúp đỡ của bà con cũng như chính quyền. Ngoài ra, việc mở rộng thêm xưởng giúp tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương và các đối tác về vận chuyển, bao bì.