TRẢI NGHIỆM ĐẶC TRƯNG NGÀY TẾT VIỆT NAM Ở XỨ HUẾ.

TRẢI NGHIỆM ĐẶC TRƯNG NGÀY TẾT VIỆT NAM Ở XỨ HUẾ.
TRẢI NGHIỆM ĐẶC TRƯNG NGÀY TẾT VIỆT NAM Ở XỨ HUẾ.

 

Tết Nguyên Đán là ngày tết cổ truyền của Việt Nam. Đây là dịp để sum họp, đoàn tụ gia đình và tìm về với những nét đẹp truyền thống của dân tộc. Là một người con của Huế đã trải qua biết bao mùa Tết ở nơi đây, từ khi là một đứa trẻ không biết đâu ngoài làng quê nghèo chưa có ánh sáng của đèn điện đến khi là một cô gái sắp 30 tuổi đã được đặt chân đến những thành phố mới phồn hoa bên ngoài nhưng chưa nơi nào thay thế được hương vị Tết đậm đà, bình yên của miền đất thơ xứa Huế trong tôi. Huế rất đỗi bình dị và nên thơ cũng không kém phần trang nghiêm. Điều này được bộc lộ rõ trong phong tục ăn Tết truyền thống qua các hoạt động trước và trong ngày Tết.

Người Huế đặc biệt yêu mến ngày Tết với quan niệm về sự đoàn tụ, biết ơn đến tổ tiên và là thời gian để hưởng thụ cuộc sống sau một năm lao động vất vả. Cũng như ở các tỉnh thành khác, người dân Huế bắt đầu chuẩn bị Tết từ giữa tháng Chạp (tháng 12 âm lịch). Mặc dù hiện nay, thị trường chợ Tết đa dạng nhiều món làm sẵn và đẹp mắt, nhưng người Huế cũng không vì thế mà bỏ qua các món truyền thống, tự làm tại nhà. Đặc biệt vào thời điểm này, các chợ đã bắt đầu bày bán nhiều nguyên, phụ liệu làm các món cổ truyền ngày Tết như lá chuối, lạt giang để gói bánh Tét, các loại rau củ, thịt để làm dưa món, gân kiệu, giò thủ…

Nhịp sống của người Huế những ngày trước Tết nhộn nhịp, tấp nập khác hẳn lối sống chậm rãi, ung dung thường ngày. Với suy nghĩ, năm hết Tết đến nên mọi người bắt đầu hối hả, nhanh nhảu hơn thường ngày nhưng không vì thế vội vã, xô bồ. Người Huế vẫn giữ được nét cẩn thận, chu đáo, tươm tất trong từng hoạt động chuẩn bị Tết. Nhà nhà dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa ngăn nắp và đẹp đẽ hơn với những cành mai, chậu cúc, cây quật. Người người bắt đầu ra chợ, đến siêu thị mua thực phẩm chuẩn bị cho ba ngày Tết từ bánh kẹo, mứt, hạt dưa,thức uống,…Cuộc sống thành phố Huế bắt đầu nhộn nhịp, đông đúc hẳn lên.

>>Những câu lời chúc Tết ngắn gọn mà hay và ý nghĩa


Hoạt động chuẩn bị đón Tết rat được xem trọng.
Những ngày cận kề Tết, cả gia đình sum vầy cùng gói bánh Tét, làm mứt gừng, dưa món, củ kiệu và các món thịt, nem, chả đậm hương vị Huế. Khác với các tỉnh miền Bắc có bánh chưng Người dân Huế thường gói bánh Tét như một loại bánh cổ truyền vào ngày Tết. Bánh Tét được gói bằng lá chuối, buộc bằng lạt giang thành hình trụ dài tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực của người Việt xưa. Nguyên liệu gói bánh cũng giống như bánh chưng của miền Bắc là nếp, đậu xanh, thịt mỡ thơm ngon, béo ngậy. Không phân biệt giàu nghèo, đến ngày Tết thì nhất định sẽ không thiếu những món ăn truyền thống, dân dã của quê hương này. Bên cạnh bánh Tét, các món ăn ngày Tết ở xứ Huế có hương vị rất riêng, đậm đà mà chẳng đâu có được như chua, cay, mặn ngọt của các loại nem, tré, thịt giầm, mứt gừng, bánh trái khiến bao người con xa xứ vương vấn mỗi độ xuân về.

Người Huế xem ngày Tết là một dịp đặc biệt để biểu đạt lòng biết ơn đến tổ tiên. Nên việc tổ chức các lễ nghi thờ cúng rất được xem trọng trong ngày Tết. Người Huế thực hiện nó với sự thành tâm và kính cẩn. Những ngày từ 20 đến 25 tháng Chạp, gia đình nào cũng làm lễ đưa ông táo về trời bằng cách thay bát hương mới với cát mới, trang trí bàn thờ ông Táo bằng hoa giấy của làng Thanh Tiên, cùng 3 miếng cau trầu. Bàn thờ tổ tiên là nơi được chú trọng trong gia đình người Huế, nên cứ dịp cuối năm nhà nào cũng thay cát mới cho bát hương để thể hiện lòng thành kính, cát thay phải sạch, trắng và mịn được lấy từ các làng quê ven biển. Lư hương, chân đèn, bàn dựng đều phải được đánh bóng, lau chùi sạch sẽ.

Đặc biệt vào các ngày cuối năm từ 28 đến 30 Tết, người Huế đều làm một mâm cúng Tất niên như một dịp tỏ lòng biết ơn đến tổ tiên và trời đất đã phù hộ cho gia đình một năm vừa qua được an vui, hòa thuận cũng như là dịp đoàn tụ của các gia đình sau một năm bận rộn với công việc. Những món đồ cúng cuối năm không thể thiếu hoa giấy, áo giấy Thanh Tiên, hạt nổ ngũ sắc, bánh Tét, xôi, ram cuốn,… Người Huế cũng xem trọng mâm ngũ quả bày biện trên bàn thờ, nhưng không giống với các vùng miền khác nhất định phải có đủ năm loại quả ‘Cầu- sung- dừa- đủ- xoài” mà Người Huế thường ưu tiên chọn một nải chuối mật to, xanh để đặt trên bàn thờ. Vốn thuộc vùng đất cố đô với bao thăng trầm lịch sử, mang nhiều nét tín ngưỡng trang nghiêm nên có thể nói Huế là một trong những tỉnh, thành thực hiện phong tục thờ cúng tổ tiên, trời đất nhiều nhất nước ta.

Sau khi cúng cuối năm, người dân sẽ chuẩn bị để cúng giao thừa vào đêm 30 Tết. Vào thời khắc chuyển sang năm mới, người Huế tổ chức cúng giao thừa để tiễn đưa các vị Hành khiển trông coi hạ giới về trời để đón một vị Hành khiển mới đến. Lễ vật cúng giao thừa là đồ chay, được bày cúng cả trong nhà và ngoài sân. Phổ biến là xôi nếp, chè đậu, các loại bánh kẹo, trái cây. Lễ cúng phải diễn ra vào đúng thời điểm chuyển giao sang năm mới để cầu xin tổ tiên “phù hộ độ trì” cho con cháu trong gia tộc một năm mới bình an, vui vẻ.

Các hoạt động diễn ra từ ngày mồng 1 đến mồng 3 Tết ở thành phố và vùng quê Huế đều khá giống nhau. Vào sáng ngày mồng 1 Tết, những gia đình có bàn thờ tổ tiên sẽ làm một mâm cúng Nguyên Đán. Từ ngày mồng 1 đến hết mồng 3 Tết, mỗi ngày cúng ít nhất một lần trên bàn thờ tổ tiên với trà, mứt, bánh hoặc các món ăn chay đơn giản, thanh đạm. Mỗi ngày sáng sớm và chiều tối không thể thiếu những nén hương, trầm trên bàn thờ để mang lại sự ấm cúng trong gia đình.

Ngày mồng 1 Tết người Huế hạn chế ra khỏi nhà vào lúc sáng sớm để hạn chế xông đất nhà người khác. Người Huế vẫn giữ phong tục xông đất hợp tuổi, hoặc yêu thích trẻ con là người đầu tiên đến nhà mình vào ngày đầu năm để có một năm an hòa, yên vui. Nếu ra ngoài, thì hoạt động đầu tiên người dân thực hiện là tảo mộ, thắp hương đầu năm cho ông bà  tổ tiên  hoặc đến chùa, tượng phật đứng thắp hương cầu bình an. Người dân thường chọn thời điểm vào trưa, xế chiều để đến thăm, chơi nhà người thân, láng giềng vì lúc này các nhà đã có người xông đất hợp tuổi vào buổi sáng. Ngày đầu năm mới, người Huế thường lựa chọn trang phục màu sắc tươi tắn để chúc Tết. Trẻ em thường được cha mẹ cho diện áo dài Tết có họa tiết tươi sáng như một điềm may mắn. Người Huế cũng quan niệm, mồng một đầu năm đi nhẹ nói khẽ, tránh lời to tiếng gây bất hòa thì mới có một năm mới vui vẻ. Nên mọi người gặp nhau thường chào hỏi thân thiết, tránh những xung đột vào ngày đầu năm.

Từ ngày mồng 2 Tết, hoạt động chúc Tết người thân, bạn bè, hàng xóm diễn ra với tần suất nhiều. Nhiều lúc đến 7,8 giờ nhà mới hết khách đến chúc Tết. Khách đến để thưởng thức những li trà, mứt gừng, hạt dưa hoặc bánh Tét, các món nem chả, thịt mà chủ nhà mang ra đãi khách, nói vài ba câu chuyện vui vẻ và trước khi ra về khách không quên gửi lời chúc tốt đẹp, may mắn đến gia chủ và người nhà. Ngày mồng 3 Tết, người dân xứ Huế thường làm một mâm cúng đưa ông bà, gia tiên với các món mặn, chay tùy nhà. Đây cũng là lễ cúng bắt buộc của người Huế vào dịp Tết để thể hiện lòng kính hiếu.

Sau ngày mồng 3 Tết, các hoạt động du xuân diễn ra nhiều với các trò chơi, lễ hội ở đình làng. Đặc biệt ở Huế, làng Cầu Ngói Thanh Toàn vẫn giữ được nét văn hóa dân gian với các hoạt động như chơi bài Chòi, viết câu đồi, du xuân, thưởng cảnh… Lúc này các hoạt động vui chơi diễn ra cũng nhộn nhịp hơn.

Ngày Tết ở Huế thường hướng về gia đình, cội nguồn nhiều hơn bởi Huế là vùng đất của cố đô, nơi lưu giữu và tiếp nhận những tinh hoa của tổ tiên các thế kỉ trước. Ăn Tết ở Huế, người ta sẽ cảm nhận được những nét trang nhiêm, thành cẩn mà cũng rất giản dị và ấm cúng của nơi đây.

 

 

Trả lời