(Ví dụ) và Kỹ năng giải quyết vấn đề sử dụng các mô hình tư duy có phương pháp khoa học

Bài phân tích này Lương nói đến các Mô hình tư duy khoa học trong Kỹ năng giải quyết vấn đề. Những mô hình này đi kèm các ví dụ giúp bạn dễ hiểu, không lạc hướng khi tìm cách giải quyết vấn đề.
ky-nang-giai-quyet-van-de-su-dung-cac-mo-hinh-tu-duy-co-phuong-phap-khoa-hoc-hieuthem-com
Các mô hình hình thành tư duy và kỹ năng tư duy giải quyết vấn đề một cách toàn diện, tránh đi lệnh hướng trong tư duy
Trong Lời của biên tập viên: Người cộng sự vàng của Warren Buffett – Charlie Munger, đã từng nói, “Các mô hình tư duy cung cấp cho bạn một quan điểm hoặc khung tư duy xác định cách bạn nhìn mọi thứ và nhìn thế giới. Các mô hình tư duy hàng đầu làm tăng khả năng thành công và giúp bạn tránh thất bại.” Đối với Munger , một mô hình tư duy có thể hiểu một cách đơn giản là bất kỳ khung lý thuyết được kiểm chứng bằng thực tế nào giúp bạn hiểu rõ hơn về thế giới thực. Tựa gốc của bài viết này là “Tools for better thinking”, tác giả Adam Amran đã giới thiệu các mô hình tư duy trong bài viết theo cách dễ hiểu kết hợp giữa ví dụ thực tế với mô hình. Nếu bạn thấy chủ đề này hữu ích, bạn có thể lưu Blog của Lương trên màn hình điện thoại, để sau này mở ra xem thêm các chủ đề mới khác.

Thứ nhất, Phương pháp giải quyết vấn đề với mô hình Tư duy ngược:

Tóm tắt trong một câu: Phân tích vấn đề từ các khía cạnh khác nhau.

Nếu bạn muốn phân tích vấn đề ở một góc độ khác, bạn có thể thử sử dụng mô hình tư duy ngược. Mô hình này cho phép bạn có được những hiểu biết mới từ một góc nhìn mới và tưởng tượng ra những tình huống và hậu quả tồi tệ nhất có thể xảy ra, nhìn chung mô hình này giúp bạn nhìn nhận thấy tính có vấn đề của tư duy, qua đó định hình lại tư duy trong giải quyết vấn đề. Để kiểm tra xem liệu phương pháp tư duy ngược có thể giúp bạn thể hiện năng lực trong quy trình giải quyết một vấn đề hay không, hãy tự đặt ra câu hỏi: “Đây có phải phương án hay tình huống hợp lý nhất mà mình có thể nghĩ ra hay không?” Dựa trên câu hỏi này, bạn có thể triển khai phương pháp tư duy ngược đối với tình huống hay vấn đề mà mình gặp phải. Cụ thể, bạn có thể tham khảo theo ba bước sau: Thử hỏi bản thân: Cách giải quyết tồi tệ nhất trong tình huống này là gì? Tiếp theo, đặt ra câu hỏi: Tại sao cách giải quyết này lại tồi tệ? Cố gắng viết ra một vài lý do khiến nó trở thành một cách giải quyết tệ. Thông qua những lý do đã liệt kê ra, hãy tư duy ngược và tìm ra cách giải quyết tốt hơn. Phương pháp tư duy ngược có thể giúp bạn dự đoán trước những kết quả xấu và tìm một con đường tốt hơn để tránh những kết quả xấu đó. Ngoài ra, bạn có thể có thêm quan điểm tư duy ngược bằng cách đặt những câu hỏi sau: Tại sao cách này không có tác dụng? Mặt trái của điều này là gì? Điều gì được coi là cách giải quyết không khôn ngoan cho vấn đề này, người thông minh sẽ giải quyết vấn đề như thế nào?

Ví dụ của việc áp dụng phương pháp tư duy ngược:

Các nhà quản lý dự án thường thích sử dụng phương pháp khám nghiệm trước để phân tích các vấn đề của dự án, đây thực sự là một ví dụ của tư duy ngược. Các thành viên trong nhóm sẽ họp lại với nhau và tưởng tượng rằng dự án sẽ thất bại sau sáu tháng nữa. Họ xem xét tình huống có thể xảy ra này với những câu hỏi như “Điều gì đã xảy ra?” “Chúng ta đã làm gì sai?” Hoặc “Tại sao dự án này không thành công?”. Thông qua phương pháp này, nhóm có thể nhìn thấy trước những thiếu sót tiềm ẩn hiện tại và đưa ra các biện pháp đối phó tương ứng. Bằng cách tư duy ngược, họ cũng có thể tránh được hết mức có thể những sai lầm tiềm ẩn và kết quả không như mong muốn.

Thứ hai, Cây vấn đề:

Tóm tắt trong một câu: sử dụng phương pháp hệ thống để lập khung vấn đề đồng thời giải quyết vấn đề. Cây vấn đề còn được gọi là cây logic, cây suy luận hay cây phân tích, có thể hiểu trực tiếp là một sơ đồ tư duy về vấn đề. Cây vấn đề cho phép bạn suy nghĩ rõ ràng và có hệ thống về vấn đề cần được giải quyết ngay lập tức. Nó cho phép bạn biến các vấn đề lớn thành các vấn đề nhỏ có thể quản lý được và xếp hạng các vấn đề nhỏ này theo thứ tự quan trọng. Nói cách khác, công cụ này rất hữu ích cho việc “chia để trị”. Cây vấn đề cũng có thể giúp bạn phát hiện ra các vấn đề khác liên quan từ một vấn đề ban đầu. Nói chung, cây vấn đề có thể chia làm 2 dạng:
  • Cây vấn đề dạng xác định, tức là trả lời cho câu hỏi “vì sao”.
  • Cây vấn đề dạng giải pháp, tức là trả lời cho câu hỏi “như thế nào”.

Làm thế nào để tạo ra một cây vấn đề, qua đó trình bày một vấn đề cụ thể hơn trong bản đồ tư duy của bạn?

  • Cây vấn đề dạng xác định vấn đề
Một cây vấn đề chính xác là một cây vấn đề bao quát mọi khía cạnh của vấn đề, vì vậy nó phải được làm một cách thật sự nghiêm túc. Để tạo ra một cây vấn đề đem lại hiệu quả tốt, cần chú ý 4 điểm sau:
  • Đầu tiên chia vấn đề thành các danh mục, các nhánh nhỏ.
  • Áp dụng nguyên tắc MECE (Không bỏ sót, không trùng lặp) để tìm ra mọi vấn đề nhỏ trong vấn đề lớn, điều này giúp bạn nắm được cốt lõi của vấn đề.
  • Đừng chú ý đến những vấn đề quá chi tiết (nhất là những chi tiết giả định), hãy tập trung vào những danh mục, nhánh lớn và vĩ mô hơn tạo thành vấn đề gốc.
  • Cuối cùng, áp dụng quy luật Pareto hay quy luật 80/20 (khoảng 80% kết quả là do 20% nguyên nhân gây ra), tập trung vào những vấn đề rất nhỏ nhưng có sức ảnh hưởng lớn. Để xác định vấn đề này, bạn nên dựa trên dữ liệu chính xác chứ đừng dựa theo phỏng đoán.
  • Cây vấn đề dạng giải pháp:
Nếu như bạn đã tìm ra bộ phận mà mình cần tập trung vào của vấn đề gốc, bạn có thể dựa vào đó để tạo ra cây giải pháp để tiếp tục tư duy của mình. Xác định vấn đề cụ thể trong vấn đề gốc, sau đó tự hỏi bản thân: “Mình có thể giải quyết vấn đề này bằng cách nào?” Tạo phân loại các giải pháp thay thế dưới dạng sơ đồ tư duy. Tại mỗi danh mục phân loại, hãy đưa ra một hoặc nhiều phương án giải quyết khác nhau. Ưu điểm của cây giải pháp đó là bạn có thể tạo ra một khuôn khổ nhất định mà bạn có thể mở rộng lĩnh vực suy nghĩ của mình và đưa ra nhiều giải pháp hơn.

Ví dụ về phương pháp cây vấn đề:

Giả sử bạn hiện đang phát triển một sản phẩm và bạn thấy rằng nhiều Khách hàng không sử dụng một trong những tính năng cốt lõi của nó. Dựa trên điều này, bạn có thể sử dụng “Khách hàng sử dụng ít tính năng X” làm điểm khởi đầu để đề xuất các nhánh nhỏ như: Khách hàng sử dụng ít tính năng X
  • Khách hàng không biết về tính năng này
  • Khách hàng biết đến tính năng này nhưng không muốn sử dụng
Đối với lớp đầu tiên của cây vấn đề, nó cực kỳ đơn giản, nhưng nó cũng phải tính đến nguyên tắc MECE, tức là nội dung của hai nhánh là độc lập với nhau, đồng thời bao hàm hoàn toàn toàn bộ vấn đề. Trên cơ sở này, tiếp tục khám phá lớp thứ hai, do đó cây vấn đề sau được rút ra: Khách hàng sử dụng ít tính năng X: Khách hàng không biết về tính năng này
  • Khách hàng khó tìm thấy tính năng này trên sản phẩm.
  • Khách hàng không được tìm hiểu về tính năng này ở nơi khác ngoài sản phẩm.
Khách hàng biết đến tính năng này nhưng không muốn sử dụng
  • Khách hàng chưa cố gắng sử dụng tính năng này
a. Họ cho rằng tính năng này vô dụng (2) Khách hàng đã cố gắng sử dụng tính năng này a. Tính năng này không áp dụng được b. Có sự cố với tính năng này c. Tính năng này không giải quyết được nhu cầu của Khách hàng Tiếp theo, bạn có thể dựa vào những vấn đề đã triển khai trên đây và đi sâu vào tìm cách giải quyết. Nhờ cây vấn đề, bạn đã biết phải bắt đầu từ đâu. Trong ví dụ trên, nhiệm vụ đầu tiên là cho người dùng biết về tính năng này. Có thể tính năng này không có bất kỳ sơ hở nào, chỉ là người dùng chưa biết về nó mà thôi. Thông qua ví dụ đơn giản này, bạn có thể hiểu trực quan ứng dụng và tác dụng của cây vấn đề. Sử dụng cây vấn đề để nắm được điểm cốt lõi của vấn đề và biết bắt đầu giải quyết vấn đề từ đâu. Cây vấn đề cho phép bạn giải quyết vấn đề một cách có hệ thống bằng cách chia nhỏ chúng ra. Tùy thuộc vào những điều bạn đã nắm được về vấn đề, bạn có thể tạo cây xác định vấn đề (bằng cách hỏi “tại sao”) hoặc bạn có thể tạo cây giải pháp (bằng cách hỏi “như thế nào”).

Thứ ba, Nguyên lý cơ bản

Tóm tắt trong một câu: Phân tách các vấn đề phức tạp thành các khái niệm cốt lõi cơ bản nhất, sau đó tìm ra các giải pháp sáng tạo nhất dựa trên chúng. Nguyên lý cơ bản là một trong những công cụ mạnh mẽ để giải quyết vấn đề. Khám phá các khái niệm cốt lõi của một vấn đề cho phép bạn tìm ra các giải pháp sáng tạo hơn. Nguyên lý cơ bản là khái niệm hoặc chân lý trọng tâm nhất, cơ bản nhất, nghĩa là khi bạn tìm thấy nó, bạn không thể tiếp tục tách thành các khái niệm hoặc chân lý. Cách suy nghĩ từ những nguyên lý cơ bản thực ra là tiếp tục đào sâu cốt lõi của vấn đề cho đến cốt lõi dưới cùng.

Làm thế nào để áp dụng các nguyên lý cơ bản?

Khi bạn gặp bất kỳ vấn đề nào, hãy áp dụng mô hình tư duy này bằng cách làm theo hai bước sau: Chia nhỏ vấn đề thành cốt lõi cơ bản nhất của vấn đề, tức là các nguyên lý cơ bản. Đề xuất lại các giải pháp mới dựa trên các nguyên lý cơ bản. Mặc dù nghe có vẻ đơn giản, nhưng quá trình này đòi hỏi sự tập trung tư duy, để thực sự đào sâu vào cốt lõi của vấn đề và tìm ra cái gọi là nguyên lý cơ bản. Bạn cũng có thể tìm ra các nguyên lý cơ bản của vấn đề thông qua các phương pháp sau: *Phương pháp 1: Năm “tại sao” Khi bạn gặp vấn đề, hãy hỏi đi hỏi lại “tại sao” để khám phá ra những nguyên nhân cơ bản nằm bên dưới bề mặt của vấn đề. Với phương pháp này, bạn có thể tìm ra nguồn gốc của vấn đề. Tất nhiên, năm “tại sao” không có nghĩa là bạn chỉ cần tìm ra năm nguyên nhân, nhưng thông thường năm nguyên nhân của vấn đề là đủ để đưa bạn đến những nguyên lý cơ bản. *Phương pháp 2: Đặt câu hỏi theo kiểu Sokrates Loại câu hỏi này thúc đẩy sự phát triển của tư duy phản biện. Bạn có thể tham khảo sáu loại câu hỏi sau để giúp bạn tìm thấy các nguyên lý cơ bản: Làm rõ: “Ý của bạn là …?” Khám phá các giả thuyết: “Chúng ta có thể đưa ra những giả thuyết nào?” Khám phá lý do hoặc bằng chứng: “Tại sao bạn nghĩ điều này là đúng?” Tác động và hậu quả: “Điều này sẽ dẫn đến điều gì?” Các quan điểm khác nhau: “Có lựa chọn thay thế không?” Hỏi câu hỏi ban đầu: “Mục đích cốt lõi của câu hỏi này là gì?”

Ví dụ về phương pháp nguyên tắc đầu tiên

Sau đây chúng ta sẽ sử dụng kinh nghiệm cá nhân của nhà thiết kế Dropbox Wes O’Haire làm ví dụ: “Năm ngoái, chúng tôi đã tìm hiểu kỹ về dự án thông qua các nguyên lý cơ bản. Đầu tiên, chúng ta bắt đầu với phần mô tả vấn đề. Dựa trên điều này, chúng tôi chia nhỏ và lược bỏ một số phần cốt lõi, sau đó lược bỏ thêm từng phần. Cuối cùng, bằng cách tích hợp lại tất cả thông tin, chúng tôi đã tìm ra một giải pháp mới.”

Thứ tư, Tư duy logic và giải quyết vấn đề với Mô hình Bậc thang trừu tượng

Tóm tắt trong một câu: Sử dụng các mức độ trừu tượng khác nhau để mô tả vấn đề của bạn tốt hơn. Bậc thang trừu tượng là một công cụ có thể giúp bạn mô tả vấn đề một cách khéo léo hơn. Nó có thể giúp bạn mô tả vấn đề bạn cần giải quyết rõ ràng hơn, cho phép bạn nhìn xa hơn chính vấn đề và khám phá những quan điểm mới. Công cụ này cho phép bạn đặt những câu hỏi trong kỹ năng giải quyết vấn đề một cách phù hợp để di chuyển lên hoặc xuống thang. Di chuyển lên trên cùng cho phép bạn mở rộng tầm nhìn, khám phá những điều mới thông qua vấn đề đã biết, di chuyển xuống dưới cùng cho phép bạn đưa ra các giải pháp cụ thể hơn.

Làm thế nào để áp dụng phương pháp bậc thang trừu tượng?

Đưa ra vấn đề gốc ở bậc thang ở giữa. Với những bậc thang ở trên, đưa ra câu hỏi “tại sao” để tiếp cận các vấn đề một cách trừu tượng hơn giúp bạn mở rộng tầm nhìn vấn đề. Với những bậc thang bên dưới, đưa ra câu hỏi “như thế nào” để tìm ra giải pháp. Phương pháp này cho phép bạn nhận ra nhiều vấn đề hơn so với vấn đề gốc, cho phép bạn tìm ra các giải pháp sáng tạo càng nhiều càng tốt. Ưu điểm của phương pháp bậc thang trừu tượng là nó có thể được áp dụng ở bất cứ đâu trong quá trình tư duy, và thường chỉ mất vài phút để áp dụng nhanh chóng. Dù bạn làm việc một mình hay làm việc theo nhóm, mô hình tư duy này đều có thể được áp dụng.

Ví dụ về phương pháp bậc thang trừu tượng:

Sau đây là một ví dụ ứng dụng đơn giản do nhà thiết kế O’Hare cung cấp: Vấn đề ban đầu mà ông đặt ra là: “Hãy thiết kế một cái mở nắp hộp tốt hơn”. Với câu hỏi “Như thế nào”, ông ấy đi đến một sáng kiến cụ thể: “Làm cho nó đẹp hơn.” Đồng thời, ông ấy cũng đi lên bậc thang khác với câu hỏi “Tại sao?” – “Tại sao phải thiết kế một cái mở nắp hộp tốt hơn?” Với câu hỏi này, ông ấy tìm thấy một vấn đề khác trừu tượng hơn: “Sử dụng đồ ăn từ một cái hộp”. Dựa trên điều này, ông ấy lại dẫn ra một câu hỏi “Làm thế nào?” – “Làm thế nào để có thể lấy thức ăn ra từ cái hộp đó?”. Cuối cùng câu trả lời cho vấn đề gốc mà ông nhận được là “Làm cho nó dễ dàng sử dụng hơn”.