Nỗi buồn ở làng trăm tỷ: càng giàu ly hôn càng nhiều

Nhiều năm nay, xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) là xã đứng đầu tỉnh Hà Tĩnh về xuất khẩu lao động (XKLĐ) với con số lao động lên đến 2.700 người, chủ yếu sinh sống và làm việc tại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Ước tính, mỗi năm họ gửi về quê hương trên 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giàu lên lại không giúp họ giữ gìn được hành phúc gia đình, khi mà hàng trăm cặp vợ chồng ở địa phương này đã tan vỡ, ly hôn.

Một làng chài trước đây nghèo xơ xác, giờ trở thành khu dân cư sầm uất trong lòng nông thôn. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, ô tô đi lại đông đúc không khác gì chốn đô thị.

Nổi tiếng giàu trong xã là gia đình ông Hoàng Đức Thanh. Trước đây, gia đinh ông Thanh cũng như bao người dân ở đây, kinh tế gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào nghề biển. Nhà đông người, cuộc sống khó khăn, vay mượn khắp nơi. Nhưng tất cả được thay đổi khi người con trai thứ “mở màn” xuất ngoại.

Sau “thành công” đó, lần lượt con trai cả Hoàng Văn Tinh và cô con dâu Trương Thị Mai cũng tiếp bước ra nước ngoài làm giàu. Có những thời điểm đại gia đình ông Thanh có đến gần 30 người con, cháu cùng xuất ngoại, chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và châu Âu. Cả một gia đình trước đây ăn bữa nay lo bữa mai thì giờ đây đã đổi đời nhờ con cái, cháu chắt đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) với mức thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Sự giàu có của gia đình ông Thanh được thể hiện ngay từ ngôi nhà cao tầng sang trọng khiến nhiều người mê.

Cứ thế, lượng người đi XKLĐ ngày một tăng lên. Nhờ đó, cuộc sống người dân nơi đây đã đổi thay một cách chóng mặt. Gia đình bà Hoàng Thị Hoa, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã là một trong số đó. Chồng bà là lao động tại Hàn đã 23 năm, có lúc nguồn thu cả trăm triệu đồng/tháng, còn lại cũng 40-50 triệu. Hiện chồng bà đã về nước, nhưng 6 đứa con (gồm cả dâu, rể) của bà Hoa vẫn đang mưu sinh tại Hàn Quốc với tiền lương tháng ổn định. Nhờ đó cuộc sống của cả gia đình bà Hoa rất sung túc.

Cường Gián hôm nay khang trang và giàu có

Từng giữ chức Chủ tịch UBND xã, nay là Chủ tịch Hội đồng Quỹ Tín dụng liên xã Cương Gián, ông Nguyễn Văn Trính rất phấn chấn khi nói về thành quả mà XKLĐ mang lại cho người dân địa phương: “Từ chỗ chỉ có 5 người sang làm nghề đánh bắt xa bờ ở Hàn Quốc vào năm 1994, đến nay, toàn xã chúng tôi hiện có trên 2.700 lao động tại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Trung bình mỗi tháng một người gửi về quê 700 USD, mỗi năm toàn bộ số lao động ở nước ngoài gửi về trên 400 tỷ đồng, trong đó gửi qua Quỹ tín dụng của chúng tôi khoảng 60 tỷ đồng”.

Có thể nói, XKLĐ đã thay đổi diện mạo của cả một làng chài nghèo ven biển với dân số 15.000 người. Tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 21% năm 2011, nay, xuống chỉ còn 4,5% (đến cuối năm 2018). Mức thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của người dân trong xã đạt trên 38 triệu đồng, cao hơn mức bình quân chung của huyện Nghi Xuân – xấp xỉ 37 triệu đồng. Đây là điều mà trước đây không ai nghĩ tới.

Tuy nhiên, cũng như một con dao 2 lưỡi, XKLĐ đang gây ra cho địa phương này một vấn đề nan giải, đó là tỷ lệ ly hôn rất lớn, rất nhiều gia đình đổ vỡ hạnh phúc. Theo thống kê, ở thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã Cương Gián có trên 200 cặp vợ chồng ly hôn, trong đó riêng thôn Bắc Mới có trên 70 cặp đôi tan vỡ hạnh phúc gia đình. Cá biệt, trong một gia đình có 3 cặp vợ chồng “đường ai nấy đi”. Đáng nói, điểm chung của những vụ ly hôn này là có vợ hoặc chồng đi nước ngoài về. Thậm chí, những cuộc chia ly, tan vỡ hạnh phúc này kết thúc bằng những vụ bạo hành đến thương tích, nghiêm trọng hơn là đã có án mạng xảy ra.

Được biết, tình trạng ly hôn bùng phát mạnh nhất là 3 năm trước đây. Nguyên nhân chủ yếu là vợ chồng xa nhau lâu ngày, thiếu thốn tình cảm nên rất dễ nảy sinh tình cảm “ngoài luồng”. Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của lối sống tự do ở nước ngoài nên khi về quê hương, đối mặt với cuộc sống thực tại thấy không còn phù hợp nên sẵn sàng … “đường ai nấy đi.

Bà Lê Thị Lý – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cương Gián đượm buồn cho biết: “Xảy ra thực trạng này chúng tôi rất buồn và thật sự rất lo lắng vì hậu quả các vụ ly hôn thường để lại rất nhiều vấn đề, đặc biệt là tổn thương đối với con cái, lớp trẻ. Không chỉ Hội Phụ nữ xã, mà cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Riêng Hội phụ nữ chúng tôi đã lập hẳn một Tổ hòa giải, thường xuyên tuyên truyền, đồng thời đến tận từng cặp xảy ra mâu thuẫn để tổ chức dàn hòa, nỗ lực xâu nối lại tình cảm của những cặp vợ chồng này”.

 

 

Trả lời