Người mới đi làm cần phải học cách tiết kiệm tiền

Có bao nhiêu bạn rơi vào trường hợp xưa còn là sinh viên làm thêm 2 triệu một tháng thừa tiền tiêu, đi làm tháng 5, 7 triệu chưa hết tháng ví đã trống trơn, nợ nần người này người kia. Dù biết rằng mỗi giai đoạn số tiền cần chi tiêu, mức sống sẽ khác nhưng kỳ thực là chúng ta đang chưa biết các tiêu tiền. Kiếm tiền đã khó, tiêu tiền đôi khi cũng khó nhưng chẳng khi nào khó bằng việc tiết kiệm được tiền, đặc biệt với người mới đi làm.

Lập kế hoạch cho chi tiêu

Đây là cách giúp bạn dễ dàng kiểm soát được số tiền chi tiêu cho một tháng. Có hai loại: chi phí cố định và chi phí biến đổi. Chi phí cố định như tiền thuê nhà, phí internet, tiền tiết kiệm cho những mục tiêu tài chính lâu dài… Chi phí biến đổi như tiền ăn uống, tiền xăng xe, các loại tiền đóng góp, chi tiêu cho giải trí, liên hoan….

Khoản chi phí cố định là thứ bạn cố gắng không nên cắt giảm, tăng lên thì ok. Sau khi đã lập một bản kế hoạch, bạn cần phải đảm bảo rằng phải thực hiện đúng như kế hoạch chi tiêu đã đề ra.

Nhiều bạn vì thấy mình chi tiêu nhiều, quyết tâm tháng sau ghi ra số tiền mình đã tiêu nhưng được nửa chừng thì bỏ hoặc cảm thấy sốc khi tổng kết lại. Vì thế hãy học cách phân bổ chi tiêu trước khi tiêu tiền để không phải hối tiếc vì đã tiêu lỡ tay. Hãy chi tiêu số tiền còn lại sau khi đã tiết kiệm.

Hạn chế ăn hàng

Từ bỏ thói quen ăn hàng sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản kha khá. Một suất cơm văn phòng có giá dao động từ 30 đến 50 nghìn/suất. Đó chỉ là một bữa trưa, còn chưa kể đến bữa sáng, bữa tối. Chịu khó dậy sớm khoảng 30 phút nấu đồ ăn sáng tại nhà, bữa tối nên tranh thủ sau giờ làm đi chợ nấu cơm. Nhiều bạn còn chuẩn bị cơm trưa mang đến văn phòng. Vừa rẻ vừa đủ dinh dưỡng lại an toàn vệ sinh.

Có một tài khoản tiết kiệm

Đây là cách tiết kiệm tiền an toàn và hiệu quả. Hãy trích một khoản tiền lương hàng tháng gửi vào tài khoản tiết kiệm của mình. Nhiều công ty trả lương qua thẻ ngân hàng và ngân hàng lại có hình thức mở tài khoản tiết kiệm online. Vì thế sau khi nhận lương bạn sẽ chuyển một khoản tiền vào tài khoản tiết kiệm, dù tiền lãi không cao nhưng đó là cách để bạn hạn chế chi tiêu.

Nhưng để đưa ra mức tiền gửi hợp lý nhất, bạn cần phải tính toán cân bằng các khoản chi tiêu khác. Đừng gửi quá nhiều trong khi biết rằn mình sẽ thiếu tiền, vì điều đó sẽ làm cho cuộc sống của bạn vất vả hơn và hình thức tiết kiệm này nhanh chóng bị xóa bỏ.

Có mục tiêu để tiết kiệm, phấn đấu

Đó có thể là mục tiêu mua xe, đi du lịch…hãy đặt hạn định cho mình trong khoảng bao lâu thì mình sẽ phải có đủ số tiền đó để hoàn thành mục tiêu. Từ đó bạn sẽ tính toán mỗi tháng mình cần để ra bao nhiêu tiền để có thể hoàn thành mục tiêu. Việc này không có nghĩa là bạn sẽ cắt giảm số tiền tiết kiệm hàng tháng, mà nên cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết trong khoảng thời này như mua sắm, ăn hàng, đi chơi, nhậu nhẹt…

Nói không với vay mượn

Một điều không dễ dàng để thực hiện nhưng nếu bạn đã có một bản kế hoạch chi tiêu như trên thì ít nhất việc này sẽ không xảy tới với bạn trong khoảng thời gian bạn quyết tâm làm theo đúng những gì mình đã vạch ra. Vay mượn tiền đặc biệt là của ngân hàng, vay tiêu dùng thì hàng tháng bạn sẽ phải trích một phần tiền lương để đóng lãi.

Như thế số tiền sẽ chẳng còn lại là bao. Vì vậy hãy cố gắng không vay mượn. Vay tiền của người khác làm bạn sẽ thấy ỷ lại, tiêu hết tiền lại đi vay, vay có lương lại trả. Đó là một vòng luẩn quẩn khiến bạn làm nhiều mà mãi không đủ tiêu.

Trả lời