Quản lý tiền bạc theo phương pháp 6 chiếc lọ hũ tài chính cá nhân

Quản lý tiền bạc theo phương pháp 6 chiếc lọ hũ tài chính cá nhân

Quản lý tài chính, quản lý tiền bạc luôn là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm. Chủ đề hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về phương pháp Quản lý tiền bạc theo phương pháp 6 chiếc lọ hũ tài chính cá nhân. Mời các bạn cùng đón đọc.

Phần 1: Thế nào là phương pháp 6 chiếc lọ tài chính cá nhân?

Đây là một phương pháp quản lý tiền bạc được tạo bởi T.Harv Eker. Ông là một người có kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn sâu về lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, tài chính và con người. Chính nhờ những kinh nghiệm và kiến thức của mình, ông đã sáng tạo ra phương pháp quản lý tiền bạc đầy hiệu quả này. Phương pháp 6 chiếc hũ tài chính còn được gọi với cái tên khác là JARS.

Việc ông đưa ra phương pháp 6 chiếc hũ tài chính nhằm giúp mọi người có thể quản lý tiền bạc, biết cách sử dụng tài chính của mình hiệu quả hơn trong việc chi tiêu, tiết kiệm hằng ngày. Từ đó họ có thể sử dụng khoản tiền mình tiết kiệm được để đầu tư kinh doanh sinh lời nhiều hơn.

Phương pháp này được mô phỏng bằng việc chúng ta sẽ sử dụng 6 chiếc lọ (hũ) đại diện cho mỗi khoản thu chi hay tiết kiệm khác nhau. Khi nhìn vào mỗi hũ, chúng ta có thể biết được khoản tiền này được dùng vào việc gì, nên chi tiêu như thế nào để không bị lãng phí, tiết kiệm ra sao để có nhiều tiền.

Phần 2: Phương pháp JARS – Phương pháp 6 chiếc lọ tài chính

Nội dung của phương pháp này sẽ yêu cầu bạn phải chia thu nhập của mình thành 6 phần khác nhau, tượng trưng là mỗi chiếc lọ. Mỗi lọ là một nguồn chi khác nhau không hề liên qua đến nhau. Số tiền chia cho mỗi lọ cũng không giống nhau mà nó còn tùy thuộc vào nội dung của chiếc lọ đó. Ví dụ như lọ tiết kiệm dài hạn bạn cần bỏ 10% thu nhập của mình vào đây mỗi tháng. Lọ dành cho tiêu dùng thiết yếu hằng ngày cần 55% thu nhập mỗi tháng….

Việc đề ra số tiền tương ứng cho từng lọ không nhất thiết phải giống nhau giữa mỗi người. Tùy theo nhu cầu, phần thu nhập mỗi tháng của mỗi người mà muốn chia khoản thu nhập thành những phần như thế nào. Mục tiêu của T.Harv Eker là giúp tạo ra một thói quen tiết kiệm, sử dụng tiền hiệu quả dành cho mỗi cá nhân.

Tiếp theo đây chúng ta sẽ đến từng phần của chiếc lọ tài chính để hiểu rõ hơn.

1, Chiếc lọ đựng nhu cầu thiết yếu – Necessity account – NEC – Tiết kiệm 55% thu nhập mỗi tháng

Đây là chiếc lọ cần chi tiêu nhiều nhất của mỗi người. Nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày là không thể thiếu. Chúng ta cần ăn, uống, cần chi tiền vào các khoản như tiền điện, tiền nước, tiền nhà, tiền điện thoại, tiền mua đồ ăn, tiền xăng xe đi lại,….

Nhiều người làm lương cũng chỉ đủ để chi tiêu vào khoản này. Nhưng với phương pháp này, T.Harv Eker khuyên chúng ta nên cố gắng chỉ sử dụng tối đa 55 % thu nhập của mình mỗi tháng, nếu có thể ít hơn thì càng tốt.

Nếu khoản thu nhập mỗi tháng của bạn không cho phép bạn chỉ chi tiêu 55% thu nhập mỗi tháng thì cách tốt nhất đó là hãy giảm bớt những khoản chi tiêu không cần thiết, hay thay vào đó sử dụng hàng giảm giá, miễn phí để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, bạn cũng cần tự tìm kiếm thêm công việc để tăng thêm thu nhập cho mình như tìm việc làm thêm, tìm việc làm vào buổi tối tại nhà…

Thời gian đầu sẽ khó khăn cho các bạn trong việc điều chỉnh việc chi tiêu sao cho chỉ ở mức 55%. Nhưng dần dần các bạn sẽ tự xây dựng được kế hoạch chi tiêu hợp lý cho bản thân mình.

2, Lọ tài chính dành cho giáo dục – Education account – EDU –bỏ 10% thu nhập mỗi tháng vào lọ

Đầu tư cho bản thân là cách đầu tư an toàn và hiệu quả nhất. Chính vì thế chúng ta không thể bỏ qua việc dành một phần thu nhập của bản thân mỗi tháng để đầu tư cho việc giáo dục và phát triển bản thân.

Bạn có thể sử dụng số tiền trong lọ tài chính này để đăng ký một khóa học tiếng anh, một lớp tiếng Nhật hay học thêm một kỹ năng nào đó. Hoặc đơn giản là việc mua thêm sách về để học, đăng ký khóa học online, tham gia các buổi diễn thuyết hội thảo…

Bạn không nhất thiết phải tháng nào cũng cần sử dụng tiền trong lọ tài chính này, mà có thể để dồn lại sử dụng vào những thời điểm nhất định để mang lại hiệu quả tốt nhất.

>> 10 sai lầm lớn trong quản lý tài chính mà ai cũng phải thấu để không bị cái nghèo đeo bám cả đời

3, Lọ tài chính dành cho tự do tài chính – Financial freedom account – FFA – nên sử dụng 10% thu nhập mỗi tháng.

Với quỹ tự do tài chính này, bạn có thể sử dụng số tiền mình tiết kiệm trong lọ tài chính này để đầu tư sinh lời. Có rất nhiều kênh đầu tư bạn có thể tham khảo như: bất động sản, tài chính, kinh doanh, chứng khoán, mua vàng, gửi tiết kiệm…

Tuy nhiên, thời gian đầu có thể bạn chưa có nhiều tiền để tham gia vào những kênh đầu tư sinh lời cao. Vậy thì phương án an toàn nhất cho bạn đó là gửi tiếp kiệm. Bạn nên gửi một cách thường xuyên và lâu dài để hưởng mức lãi kép cao, nhằm mang lại hiệu quả cao trong tương lai.

Nếu có ai đó là bạn bè hay người thân của bạn đang kinh doanh, bạn cũng có thể góp vốn đầu tư để kiếm lời. Có rất nhiều cách để chúng ta có thể đầu tư sinh lời từ lọ tài chính này. Lúc đầu bạn có thể chỉ bỏ vào lọ này 10% thu nhập, nhưng dần dần bạn nên tăng số tiền này thêm để nhanh có vốn đầu tư.

4, Lọ tài chính cho đi – Give – sử dụng 5% thu nhập

Một trong những bí quyết làm giàu, bí quyết thành công của các vị tỷ phú trên thế giới đó học cách cho đi. Đối với họ thành công không có nghĩa là kiếm được thật nhiều tiền,  mà là họ đã đóng góp được bao nhiêu giá trị có ích cho cộng đồng, cho xã hội. Đó cũng chính là nội dung của chiếc lọ tài chính tiếp theo.

Mỗi tháng bạn sẽ trích ra 5 % thu nhập của mình để làm những việc có ích, giúp đỡ những người xung quanh. Không nhất thiết chúng ta phải đi làm từ thiện, làm những việc thật to lớn mà đơn giản đó cho thể là việc chúng ta giúp đỡ những thành viên trong gia đình, giúp đỡ bạn bè khi họ gặp khó khăn.

Hãy sử dụng phần tiền này một cách có ích để mang đến nhiều giá trị nhất.

5, Chiếc lọ tiết kiệm dài hạn – Long-term saving for spending account – LTSS – bỏ 10% thu nhập mỗi tháng vào lọ

Đây là chiếc lọ  cho khoản tiết kiệm dài hạn của bạn. Như cái tên của chiếc lọ này đã đề cập, “tiết kiệm dài hạn” có nghĩa là bạn nhất định không được đụng đến số tiền này trong một thời gian nhất định theo quy ước với bản thân. Mỗi tháng bạn sẽ trích 10% tiền lương của mình để bỏ vào lọ này.

Khoản tiết kiệm này sẽ giúp bạn thực hiện các mục tiêu tài chính cần số tiền lớn như mua nhà, mua xe, mua đất hay cần tiền để làm một việc lớn nào đó. Cho nên, cần tiết kiệm được một khoản tiền như thế này trong thời gian dài. Bạn có thể tăng % tiền bỏ vào lọ này mỗi tháng, nhưng không được giảm dưới 10%.

6, Lọ tài chính hưởng thụ – PLAY – 10% thu nhập mỗi tháng

Với lọ tài chính này, bạn sẽ sử dụng số tiền tiết kiệm được để chăm sóc bản thân và tận hưởng của sống. Bạn có thể sử dụng số tiền này để đi du lịch, làm đẹp, mua quần áo,… Làm việc cũng cần phải nghỉ ngơi, nên hãy dành cho bản thân một dịp mỗi tháng để có thể thư giản và sử dụng số tiền này.

Hy vọng với những chia sẻ về phương pháp quản lý tài chính bằng 6 chiếc lọ tài chính này, bạn có thể quản lý tiền bạc của mình một cách tốt hơn. Cảm ơn đã theo dõi hết bài phân tích này.

Trả lời