Trụ sở đầu tiên của Vietinbank ở Đâu (lịch sử ngành Ngân hàng Việt Nam)

Chủ đề này tìm hiểu về Trụ sở đầu tiên của Vietinbank ở Đâu (lịch sử ngành Ngân hàng Việt Nam) và các vấn đề liên quan khác.

Các vấn đề tìm hiểu dưới góc nhìn Phương pháp tư duy ĐỀ HỌC theo hướng: Chú trọng trọng tâm từng vấn đề.

Trụ sở đầu tiên của vietinbank tại đâu

Trụ sở đầu tiên của Vietinbank đặt tại số nhà 108 phố Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Thủ Đô Hà Nội.

>> Ngân hàng trung gian là gì (tìm hiểu các thông tin và vấn đề liên quan)

Ngày bao nhiêu Vietinbank thành lập chính thức

Vietinbank thành lập chính thức vào ngày 26 tháng 3 năm 1988

Vietinbank bắt đầu và hoạt động kinh doanh vào ngày bao nhiêu

Vietinbank sau khi thành lập, đi vào hoạt động chính thức là ngày: 8/7/1988

>> Nên làm vị trí nào hot nhất trong ngân hàng

Tổng quan ngành ngân hàng Việt Nam-Sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam

Ngân hàng Quốc gia Việt Nam chính thức được thành lập theo Sắc lệnh số 15/SL ngày 6/5/1951 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn sáu thập kỷ qua, hệ thống Ngân hàng Việt Nam đã không ngừng phát triển và có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

>> Các câu hỏi hay về ngân hàng thương mại (Câu hỏi khi đi làm ngân hàng)

Lịch sử hệ thống Hoạt động tài chính, tiền tệ thời kỳ 1945-1954

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính quyền non trẻ của giai cấp công nông đã phải ứng phó với những thách thức lớn: vừa giải quyết những vấn đề cấp bách của đời sống nhân dân, củng cố và tăng cường thực lực của chính quyền, vừa phải chống lại hành động chống phá của thực dân Pháp và các thế lực phản động. Tình hình tài chính – tiền tệ của chính quyền cách mạng gặp vô vàn khó khăn: Kho bạc chỉ còn hơn 1,25 triệu đồng Đông Dương, trong đó một nửa là tiền rách; Ngân hàng Đông Dương vẫn nằm trong tay tư bản thực dân và luôn tìm cách phá hoại ta về tài chính, tiền tệ; các nguồn thu ngân sách quá ít ỏi so với nhu cầu chi tiêu của chính quyền…Trước tình hình đó, Chính phủ đã kêu gọi nhân dân quyên góp tài chính dưới các hình thức như “Quỹ độc lập”, “Tuần lễ vàng”, đồng thời gấp rút chuẩn bị phát hành tiền.

Tháng 12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, toàn quốc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Để phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế kháng chiến, Chính phủ cho thành lập 3 khu vực tiền tệ và cho phép phát hành các đồng tiền khu vực. Nhiều biện pháp đã được áp dụng để tạo nguồn thu cho ngân sách, như: phát hành Công phiếu kháng chiến, Công trái quốc gia… Ngày 3/2/1947, Nha tín dụng sản xuất, tổ chức tín dụng đầu tiên ở nước ta được thành lập với nhiệm vụ giúp vốn cho nhân dân phát triển sản xuất, hạn chế cho vay nặng lãi ở nông thôn, làm hậu thuẫn cho chính sách giảm tức và hướng dẫn nhân dân đi vào con đường làm ăn tập thể.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951) đề ra chủ trương, chính sách mới về kinh tế-tài chính, trong đó chỉ rõ: Chính sách tài chính phải kết hợp chặt chẽ với chính sách kinh tế; thành lập Ngân hàng Quốc gia, phát hành đồng bạc mới để ổn định tiền tệ, cải tiến chế độ tín dụng. Thực hiện chủ trương đó, ngày 6/5/1951, tại hang Bòng thuộc xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15-SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, với những nhiệm vụ chủ yếu là: Quản lý việc phát hành giấy bạc và tổ chức lưu thông tiền tệ; quản lý Kho bạc Nhà nước; huy động vốn và cho vay phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa; quản lý hoạt động kim dung bằng biện pháp hành chính; quản lý ngoại hối và đấu tranh tiền tệ với địch.

Hệ thống tổ chức của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam gồm Ngân hàng trung ương, Ngân hàng liên khu và ngân hàng tỉnh, thành phố. Trụ sở đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia đặt tại xã Đầm Hồng, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang.

Sự ra đời của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam ngày 6/5/1951 là bước ngoặt lịch sử trong quá trình phát triển hệ thống tiền tệ – ngân hàng Việt Nam. Hoạt động của Ngân hàng Quốc gia trong thời kỳ này đã góp phần rất quan trọng củng cố hệ thống tiền tệ độc lập, tự chủ của đất nước, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, tăng cường lực lượng kinh tế quốc doanh, phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp.

Lịch sử Hoạt động ngân hàng thời kỳ 1955-1975

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (20/7/1954), 2miền Nam-Bắc tạm thời bị chia cắt. Đảng ta xác định đường lối chung của Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn này là tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã tiến hành thu hồi tiền địch ở vùng mới giải phóng, thiết lập thị trường tiền tệ thống nhất trên Miền Bắc. Mạng lưới ngân hàng được mở rộng tới các huyện, quận, thị xã; đội ngũ cán bộ được tăng cường, nâng cao trình độ. Ngày 26/10/1961, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được đổi tên thành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong giai đoạn 1955-1965, hoạt động tín dụng được đẩy mạnh để đáp ứng yêu cầu khôi phục kinh tế, phục vụ yêu cầu hợp tác hóa và đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, phát triển kinh tế quốc doanh. Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cải tiến trong công tác thanh toán không dùng tiền mặt, mở rộng quan hệ thanh toán đến hầu hết các xí nghiệp, tổ chức kinh tế, cơ quan của nhà nước; tập trung quản lý và đẩy mạnh các nguồn thu ngoại hối để đáp ứng nhu cầu kiến thiết nước nhà. Cũng trong giai đoạn này, Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam được thành lập và đi vào hoạt động.Đến cuối năm 1964, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có quan hệ hợp tác với 265 ngân hàng tại 41 nước trên thế giới.

Giai đoạn 1965 – 1975, Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, chiến sự diễn ra rất ác liệt, mọi hoạt động của Ngân hàng Nhà nước phải chuyển hướng để phù hợp với hoàn cảnh thời chiến. Ngân hàng Nhà nước đã cải tiến và mở rộng các quan hệ tín dụng, thanh toán, quản lý tiền mặt, quản lý quỹ ngân sách nhà nước, giúp các xí nghiệp sơ tán và phân tán sản xuất, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể; tích cực khai thác các nguồn ngoại tệ cho Nhà nước, bảo đảm thanh toán quốc tế thông suốt, đáp ứng yêu cầu sản xuất, chiến đấu và đời sống. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thời kỳ này đạt bình quân 85,5% tổng mức chu chuyển tiền tệ qua quỹ ngân hàng.

Để tiếp nhận và chuyển các khoản ngoại tệ do bạn bè quốc tế chi viện cho chiến trường Miền Nam, năm 1965, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập một tổ chức chuyên trách nghiệp vụ thanh toán đặc biệt tại Cục Ngoại hối – Ngân hàng Ngoại thương, với danh nghĩa là phòng B29 hay “Quỹ đặc biệt”. Ở miền Nam, Ban Tài chính đặc biệt trực thuộc Trung ương Cục miền Nam với các bí số D270, N2683 cũng được thành lập với nhiệm vụ tiếp nhận chi viện của Trung ương; tổ chức cất giữ, bảo quản tiền để phục vụ lâu dài cho cuộc kháng chiến.

Năm 1968, yêu cầu chi viện khẩn cấp cho chiến trường miền Nam ngày càng lớn, trong đó có nhu cầu chi viện về tài chính, tiền tệ. Theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cử đoàn cán bộ (đoàn B-68) để bổ sung cho chiến trường miền Nam. Đoàn B-68 được chia làm 14 chi, phân bổ từ Bình Trị Thiên vào miền Nam. Riêng số cán bộ về Trung ương Cục Miền Nam được kết hợp với cán bộ B tại chỗ để thành lập Ban Ngân khố Tín dụng R, phiên hiệu đơn vị là C32. Theo đó, C32 là một bộ phận của Ban Kinh Tài thuộc Trung ương Cục Miền Nam. Tập thể C32 gồm những chiến sĩ thầm lặng hoạt động trong điều kiện bí mật, nguy hiểm, nhiều khó khăn, thiếu thốn,tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển ngoại tệ, bảo quản tuyệt đối an toàn hàng trăm triệu đôla Mỹ để cung cấp kịp thời cho tiền tuyến;đồng thời đã tiếp quản tốt hệ thống ngân hàng nguỵ sau giải phóng Sài Gòn. Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, Đảng, Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho N2683 và B29 (tháng 6/2009) và C32 (tháng 12/2014).

Giai đoạn Hoạt động ngân hàng thời kỳ 1976-1985

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, nước ta bước sang một thời kỳ mới: thời kỳ hoà bình, độc lập, thống nhất, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách để khôi phụcvà phát triển kinh tế-xã hội sau chiến tranh. Ngành Ngân hàng đã khẩn trương tiếp quản và cải tạo hệ thống ngân hàng của chế độ cũ ở miền Nam, xây dựng hệ thống ngân hàng mới của chính quyền cách mạng, thực hiện thống nhất tiền tệ trong cả nước; ban hành và thực hiện nhiều biện pháp về tiền tệ, tín dụng, quản lý ngoại hối, thanh toán để góp phần ổn định tình hình kinh tế và lưu thông tiền tệ, đáp ứng nhu cầu vốn và tiền mặt cho sản xuất, quốc phòng, an ninh và đời sống kinh tế-xã hội; mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế cho công cuộc tái thiết đất nước.

Để loại bỏ đồng tiền của chính quyền Sài Gòn ra khỏi đời sống kinh tế xã hội thống nhất tiền tệ trong cả nước, Bộ Chính trị quyết định phát hành đồng tiền ngân hàng Việt Nam ở miền Nam, thu đổi đồng tiền của chế độ Sài Gòn. Đợt thu đổi diễn ra từ ngày 22/9/1975 đến ngày 30/9/1975 với tỷ lệ 1 đồng tiền ngân hàng Việt Nam mới bằng 500 đồng tiền của chính quyền Sài gòn cũ. Sau khi đổi tiền, Việt Nam hình thành hai khu vực lưu hành tiền tệ: tiền ở miền Bắc do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, tiền ở miền Nam do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phát hành. Hai đồng tiền đều là giấy bạc của Ngân hàng Nhà nước phục vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước.

Thực hiện chủ trương cải tiến và mở rộng tín dụng ngân hàng theo Quyết định 32/CP ngày 11/2/1977 của Hội đồng Chính phủ, Tổng giám đốc NHNN đã ban hành Thể lệ cho vay vốn lưu động và quy định về cho vay đầu tư XDCB đối với các XNQD. Hoạt động tín dụng bước vào thời kỳ cải tiến mạnh mẽ và mở rộng các loại cho vay, trước hết là đối với khu vực kinh tế quốc doanh. Hệ thống thanh toán thống nhất trong cả nước được thiết lập; tình trạng công nợ dây dưa giữa các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị được giải quyết đáng kể. Quan hệ tín dụng và thanh toán quốc tế với các nước XHCN được tăng cường. Tháng 5/1977, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham gia Ngân hàng Đầu tư quốc tế (MIB), Ngân hàng hợp tác kinh tế quốc tế (MBES).

Để thống nhất tiền tệ trên cả nước, ngày 1/4/1978, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 08/NQ-TW về việc phát hành tiền ngân hàng mới, thu hồi tiền cũ ở cả hai miền. Ngày 2/5/1978, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu phát hành tiền mới, thu hồi tiền cũ trên cả nước.

Trong giai đoạn 1981-1985, hoạt động sản xuất – kinh doanh, lưu thông phân phối gặp rất nhiều khó khăn. Thực hiện Nghị quyết 26/NQTW ngày 23/6/1980 của Bộ Chính trị và các quyết định của Hội đồng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp quy, chế độ nghiệp vụ về tiền tệ, tín dụng, thanh toán, cấp phát đầu tư xây dựng cơ bản, ngoại hối; thực hiện “chính sách tín dụng tích cực, coi tín dụng là mặt trận phía trước”, mở ra nhiều hình thức cho vay mới nhằm đáp ứng nhu cầu vốn và tiền mặt, góp phần thực hiện kế hoạch khôi phục kinh tế, hỗ trợ ngành thương nghiệp quốc doanh thu mua nắm nguồn hàng phục vụ đời sống nhân dân và ổn định giá.

Cuộc thu đổi tiền tháng 9/1985 là chính sách kinh tế lớn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực phân phối lưu thông, một bộ phận trong kế hoạch tổng điều chỉnh giá – lương – tiền nhằm ổn định sức mua của đồng tiền, phục vụ công cuộc xây dựng và cải tạo xã hội chủ nghĩa.

Giai đoạn Hoạt động ngân hàng thời kỳ từ 1986 đến nay

Thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để theo Nghị quyết Đại hội Đảng VI và các Nghị quyết Đại hội Đảng sau đó, công cuộc đổi mới đất nước được triển khai mạnh mẽ, nền kinh tế chuyển dần từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước và từng bước hội nhập kinh tế quốc tế.

Sau một thời gian tiến hành làm thử việc chuyển hoạt động ngân hàng sang kinh doanh XHCN, ngày 26/3/1988 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định 53/HĐBT với định hướng cơ bản là “ chuyển hẳn hệ thống ngân hàng sang hoạt động kinh doanh”. Tổ chức, bộ máy của Ngân hàng Nhà nước được kiện toàn, sắp xếp lại để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, đồng thời làm chức năng ngân hàng của các ngân hàng; các ngân hàng chuyên doanh thực hiện nhiệm vụ kinh doanh tín dụng và dịch vụ ngân hàng. Theo đó, bốn ngân hàng chuyên doanh được thành lập trên cơ sở chuyển và tách ra từ Ngân hàng Nhà nước, gồm: Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Phát triển nông nghiệp, Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

Tháng 5/1990, Hội đồng Nhà nước thông qua 2 Pháp lệnh Ngân hàng. Hệ thống ngân hàng bắt đầu quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, căn bản và toàn diện phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần của Đảng, Nhà nước.

Trong giai đoạn 1990-1996, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chính sách lãi suất dương, kết hợp sử dụng các công cụ gián tiếp với công cụ kiểm soát trực tiếp trong điều hành chính sách tiền tệ; hình thành các thị trường tiền tệ; bước đầu hiện đại hóa công nghệ và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho việc vận hành hệ thống ngân hàng mới. Vốn tín dụng được mở rộng cho mọi thành phần kinh tế và đạt mức tăng trưởng bình quân 36%/năm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá – hiện đại hoá và thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trong nhiều năm. Cũng trong giai đoạn này, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế (IMF, WB, ADB) được tái lập và khơi thông.

Năm 1997, Quốc hội thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng, tạo nền tảng pháp lý căn bản hơn cho hệ thống ngân hàng tiếp tục đổi mới phù hợp với cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997; tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều hành chính sách, đặc biệt là cơ chế điều hành lãi suất. Hệ thống các tổ chức tín dụng được chấn chỉnh, củng cố, từng bước xử lý nợ tồn đọng và nâng cao năng lực tài chính. Công nghệ ngân hàng có bước phát triển mạnh mẽ; Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng do Ngân hàng Thế giới tài trợ được vận hànhchính thức từ tháng 5/2002, tạo tiền đề quan trọng cho quá trình đổi mới và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng; các dịch vụ ngân hàng điện tử xuất hiện (E-Banking, Internet banking…). Ngân hàng Nhà nước tham gia đàm phán gia nhập WTO và tích cực triển khai các cam kết về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng.

Sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO (cuối 2006), hoạt động ngân hàng tiếp tục có nhiều đổi mới về điều hành, thể chế, cơ chế nghiệp vụ, công nghệ. Tháng 6 năm 2010, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng mới, tạo nền tảng pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới hoạt động ngân hàng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Trước những diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt, từ ưu tiên kiềm chế lạm phát cao năm 2008 sang tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế năm 2009, khôi phục đà tăng trưởng năm 2010 và kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2011, 2012. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, điều hành chính sách của NHNN đã có những đổi mới căn bản, thể hiện rõ tính chủ động, dẫn dắt thị trường và đạt được kết quả tích cực: Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Tỷ giá ổn định, mặt bằng lãi suất liên tục giảm cùng với các chính sách, giải pháp tín dụng tích cực của ngành Ngân hàng đã góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao, thị trường ngoại hối và thị trường vàng được quản lý chặt chẽ và ổn định, tình trạng “đô la hóa” và “vàng hóa” trong nền kinh tế bị đẩy lùi.

Thực hiện nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, NHNN đã xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 (Quyết định 254/QĐ-TTg ngày1/3/2012), Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD ( Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013). Quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu được hệ thống Ngân hàng triển khai quyết liệt theo đúng định hướng, lộ trình và cơ bản đạt được mục tiêu đề ra: các TCTD yếu kém được kiểm soát, những tồn tại, yếu kém của hệ thống ngân hàng từng bước được xử lý; nợ xấu được kiềm chế và xử lý từng bước; hệ thống Ngân hàng tiếp tục tăng trưởng và đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong hơn sáu mươi năm qua, ngành Ngân hàng đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng (2006), Huân chương Hồ Chí Minh (1996 và 2011). Ba đơn vị được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ là Ban Tài chính đặc biệt (N2683), Quỹ đặc biệt (B29), Ban Ngân khố tín dụng R (C32). Nhiều tập thể, cá nhân trong Ngành được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý khác: Anh hùng lao động, Huân chương, Huy chương, Bằng khen các cấp.