Kinh doanh mỹ phẩm nhập khẩu, cẩn thận ăn “Trái đắng”

Lương sẽ chỉ cho bạn thấy tại sao ăn Trái đắng khi kinh doanh mỹ phẩm nhập khẩu, mặc dù câu chuyện 1.1 tỷ đô của thị trường Việt Nam đang sốt sình sịch trên các mặt báo.

Nếu bạn là người thích lướt web thì chắc chắn bạn biết rằng mấy ngày hôm nay xuất hiện câu chuyện, thị trường mỹ phẩm nhập khẩu trị giá 1.1 tỷ đô, và đương nhiên tâm lý đám đông khiến bạn tin rằng “ mình nên kinh doanh mỹ phẩm, thị trường tiềm năng như thế nếu cố gắng chắn chắn sẽ kiếm được tiền và làm ăn có lãi”.

Phân tích sơ bộ về trị giá nhập khẩu Mỹ phẩm….

Theo nguồn thống kê chính thức từ Tổng Cục Thống Kê, trong báo cáo sơ bộ mà Lương tải về trên website của Tổng Tục Thông Kê, thống kê trị giá và mặt hàng nhập khẩu năm 2016 của Việt Nam, thì tổng giá trị của nhóm hàng: Chất thơm, Mỹ phẩm, chế phẩm vệ sinh đạt 608.653.000 USD, thấp hơn so với trị giá 1.1 tỷ đô la. Mặc dù số liệu của Tổng Cục Thống Kê mới là số liệu sơ bộ, và số liệu dự báo 1.1 tỷ đô la của ITC và Ngân Hàng Thế giới còn phụ thuộc và tính toán đến nhiều yếu tố khác nhau.

Trong báo cáo sơ bộ của Tổng Cục Thống Kê năm 2016 mà Lương đọc thì giá trị nhập khẩu mỹ phẩm, chất thơm, chế phẩm vệ sinh từ tháng 3 đến tháng 10 có xu hướng giảm, khi trị giá nhập khẩu của nhóm hàng chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh vào tháng 3 là 53.273.000 đô la thì đến tháng 10 giá trị này giảm xuống còn 46.309.000 đô la, báo sơ bộ cũng cho thấy giá trị nhóm hàng này tăng khá mạnh vào 2 tháng cuối năm 11, 12 năm 2016.

Báo cáo trị giá sơ bộ về những mặt hàng phân theo nước, vùng lãnh thổ năm 2016 của Tổng Cục Thống Kê cho thấy trị giá nhập khẩu nhóm hàng này đến chủ yếu từ các quốc gia: Singapore ( có giá trị 179,125,000/608.653.000 đô la), Theo Sau là Thái Lan, indonesia có giá trị lần lượt là: 60,239,000/608.653.000 đô la, 58,331,000/608.653.000 đô la…Theo sau nữa là mỹ phẩm, chế phẩm vệ sinh, chất thơm được nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ, rồi mới đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp…

Okay, bạn nhìn thấy điểm đặc biệt trong câu chuyện kinh doanh mỹ phẩm này chưa ? Mỹ phẩm Hàn Quốc vốn được nhiều người cho rằng dòng mỹ phẩm của Xứ sở Kim Chi thống trị thị trường thì giá trị của nó thực sự không nhiều, thậm chí thấp hơn rất nhiều so với trị giá nhập mỹ phẩm, chế phẩm vệ sinh, chất thơm đến từ Singapore.

Sản phẩm đến từ Trung Quốc cũng như vậy, giá trị không cao mặc dù có rất nhiều chủ đề bàn về Mỹ phẩm Trung Quốc, nhưng giá trị không nhiều so với tổng giá trị nhập khẩu theo báo cáo sơ bộ.

…..Và tiếp đến là đánh giá nhu cầu khách hàng, thị trường Mỹ phẩm tại Việt Nam….

Chúng ta phải thừa nhận rằng khi sử dụng hết số mỹ phẩm nhập ngoại trị giá 608.653.000 đô la cho thấy có một lượng nhu cầu thực sự lớn. Và cũng không thể phủ nhận kết quả đưa ra của Ngân Hàng Thế Giới, tổ chức ITC là Thị trường Miền Nam và khu vực miền phía Nam có mức tiêu thụ lớn vượt trội hẳn, trong khi đó mức tiêu thụ ở Miền Bắc lại không lớn, và Miền Trung có sức mua thấp nhất đối với mặt hàng Mỹ phẩm, cũng không sai khi chúng ta giải thích bằng thói quen và văn hóa tiêu dùng của khu vực Miền Nam.

Người tiêu dùng Miền Nam thích chi tiêu tiền nhiều hơn cho sản phẩm/dịch vụ có tính sử dụng tức thời, họ ít khi quan tâm đến câu chuyện tiết kiệm nhiều hoặc mua sắm những hàng hóa cố định lâu dài như xây nhà ở sang trọng, cất tiền vô ngân hàng… đặc điểm này của người miền trong phù hợp với đặc điểm sức mua Mỹ phẩm, mọi người chú trọng giá trị sử dụng hiện thời nhiều hơn.

Người Miền Bắc lại có văn hóa mua sắm tiêu dùng khác, họ tập trung nhiều hơn cho những hàng hóa thời gian sử dụng lâu dài và cố định như Nhà đất, tiết kiệm ngân hàng, mua sắm nội thất đắt đỏ, đầu cơ…họ sẵn sàng ngừng chi tiêu cho 1 bữa ăn sang để tiết kiệm mua 1 chiếc máy tính, hoặc bớt tiền mua mỹ phẩm để mua 1 khóa học Tiếng Anh,…

Mỗi vùng miền đều có văn hóa và thói quen, thị hiếu tiêu dùng khác nhau, đối với Mỹ phẩm thì sức mua khác biệt nhau giữa 2 vùng Nam, Bắc là bởi vì văn hóa thói quen mua hàng hóa này.

Quay trở lại câu chuyện thị trường mỹ phẩm, với nhu cầu như vậy thì rõ ràng thị trường Miền Nam có phần nào đó cạnh tranh hơn, mặc dù để phán đoán được thị trường có sức cạnh tranh lớn hay nhỏ cần phân tích nhiều yếu tố khác nhau như số lượng khách hàng tiềm năng, số lượng đối thủ cạnh tranh, các rào cản thâm nhập thị trường,…

Nhưng chúng ta hiểu được rằng có quá nhiều người đang tham gia vào lĩnh vực mỹ phẩm, bạn bè của Lương, bạn bè của bạn và bạn bè của bạn của bạn của bạn, … đều có có người tham gia vào lĩnh vực mỹ phẩm, và khi nhắc tới 2 từ Mỹ phẩm thì trở thành chủ đề của bất kỳ một người phụ nữ nào. Chẳng giống như khi người ta nhắc đến máy tính cá nhân, đến sách, đến cây cảnh, chẳng phải ai cũng hứng thú với những sản phẩm này, và cũng chẳng phải ai cũng thích kinh doanh những mặt hàng này. Nhưng Mỹ phẩm thì khác, nếu bạn là người tri thức thì Lương tin rằng 10 người phụ nữ là bạn bè thì có tới 8 người đã suy nghĩ đến ý tưởng kinh doanh mỹ phẩm, thời trang.

Kinh doanh mỹ phẩm trở thành ý tưởng của từng cá nhân, chứ không phải của từng tổ chức, mà cá nhân thì bạn biết rồi đấy, dân số ở Tp.Hồ Chí Minh có khoảng 8.4 triệu người, Hà Nội có khoảng 7.5 triệu người. Và câu chuyện cạnh tranh trong kinh doanh Mỹ phẩm trở thành vấn đề chính quan trọng nhất khi bạn gia nhập vào lĩnh vực này.

… Cuối cùng là kết luận về kinh doanh Mỹ phẩm.

2 Chủ vấn đề trên là phân tích số liệu cơ bản và đánh giá nhu cầu cũng như thị trường đã cho bạn những thông tin cơ bản về kinh doanh Mỹ phẩm. Và câu hỏi đặt ra là : có nên kinh doanh buôn bán mỹ phẩm hay không ?

Lương sẽ khuyên bạn không nên kinh doanh nước hoa, son môi, kem dưỡng da, mỹ phẩm nói chung. Bạn chỉ nên kinh doanh khi đáp ứng những điều kiện gia nhập ngành như thế này:

– Tìm hiểu sâu về thị trường nơi bạn sẽ kinh doanh mỹ phẩm

>> Những cách nghiên cứu thị trường hiệu quả

– Bạn có một sản phẩm khác biệt, tức là những yếu tố cấu thành sản phẩm có điểm nào đó khác với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, nếu trường hợp này xảy ra thì giá bán không được thấp.

– Có kế hoạch xây dựng thương hiệu rõ ràng

– Có đủ tiền vốn, khoản vốn kinh doanh mỹ phẩm từ 100.000.000 VNĐ ( kinh doanh online)- 400.000.000 VNĐ( mở cửa hàng).

– Có nguồn hàng Mỹ phẩm nhập khẩu chất lượng

– Có đủ lượng quan hệ bạn bè, người quen để duy trì kinh doanh trong thời gian ban đầu

– Có một thị trường mà đối thủ cạnh tranh không quá mạnh, nếu đối thủ kinh doanh rất mạnh thì kể cả khi bạn có sản phẩm khác biệt cũng rất khó thâm nhập thị trường. Người tiêu dùng đã sử dụng mỹ phẩm của đối thủ quen rồi, bạn cần tiêu tốn nguồn lực và làm thị trường rất lâu mới có thể chiếm được chút thị phần từ họ, người kinh doanh không ngoan không tư duy theo cách này.

– Chính sách chăm sóc khách hàng sau bán hiệu quả

Phần lớn khách hàng của bạn là khách quen, họ đến mua sản phẩm ngày hôm nay và sau 2 tháng họ lại đến cửa hàng của bạn một lần. Đôi lúc họ đến chỉ là để mua 1 thỏi son nhưng trị giá 2.000.000 VNĐ, 1 chiếc Mascara nhưng đáng giá 400.000 VNĐ, 1 hộp kem dưỡng da trị giá 4.000.000 VNĐ; Nếu không phải là họ thì cũng có thể là bạn bè của họ, thông qua hoạt động Pr truyền miệng bạn sẽ có thêm nhiều khách hàng mà chúng ta chẳng phải tốn nhiều tài chính cho các hoạt động quảng cáo trên truyền hình, quảng cáo trực tuyến…

Chăm sóc sau bán hàng tốt là cách những cô chủ nhỏ của shop mỹ phẩm làm rất tốt, họ đơn giản chỉ là một cú điện thoại hỏi thăm cuộc sống và rồi hỏi về hiệu quả khi sử dụng mỹ phẩm. Như vậy “ một công làm đôi việc”, bạn vừa biết được khách hàng có ưa thích sản phẩm hay không lại vừa làm tốt nhiệm vụ chăm sóc khách hàng.

Okay, đó là một số vấn đề cơ bản về kinh doanh mỹ phẩm nói chung, kem dưỡng da, son môi, kem chống nắng… nói riêng. Lương kỳ vọng rằng những thông tin chia sẻ này giúp bạn định hướng lại cách tư duy về kinh doanh, đừng nghĩ theo tâm lý đám đông. Bạn là chính bạn và chúng ta chẳng phải làm theo ai cả. Kinh doanh phải dựa trên những thông tin điều tra thực tế , chứ không phải người ta nói trị giá thị trường mỹ phẩm nhập khẩu Việt Nam là 1.1 tỷ đô thì bạn cho rằng “ thật tuyệt”.

Gặp lại bạn trong những chủ đề phân tích kinh doanh khác, các câu hỏi bạn comment trong phần bình luận cho Lương.

Một trả lời tới to “Kinh doanh mỹ phẩm nhập khẩu, cẩn thận ăn “Trái đắng””

  1. Chào anh Lương,anh kinh doanh gì vậy,em muốn kinh doanh homstay tại Đà Lạt ,em mong được anh chia sẻ ạ.em định thuê của chủ rồi tự kinh Doanh em đã đọc kinh nghiệm một số trang nhưng vẫn chưa tự tin để làm vì lo về khách hàng .nếu ma vàng thì mới ngày trời qua là tiền mình cũng trôi Theo.

Trả lời